Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khơi dậy khát vọng vươn lên của người dân huyện Phúc Thọ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Mùa Xuân năm 40 (trước Công nguyên), tại mảnh đất Hát Môn (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội), Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống quân Đông Hán. Từ truyền thống lịch sử, người dân nơi đây đã và đang phát huy, tạo nguồn nội lực mạnh mẽ để xây dựng, phát triển quê hương giàu đẹp, văn minh.

Sử sách lưu giữ truyền đời

Những ngày này, người dân xã Hát Môn nói riêng, huyện Phúc Thọ nói chung đang tích cực chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng lập đàn thề, tế trời đất trước khi ra trận (mùng 4/9 âm lịch).

Trưởng Ban Quản lý di tích đền Hát Môn Nguyễn Quốc Thắng dẫn chuyện sử sách chép lại: Năm 179 (trước Công nguyên), Triệu Đà đánh bại An Dương Vương, nước Âu Lạc bị Nam Việt thôn tính nên nhân dân ta chịu ách nô lệ của phong kiến phương Bắc. Năm 111 (trước Công nguyên), nhà Tây Hán thôn tính Nam Việt, nước ta chịu ách đô hộ của nhà Tây Hán, sau đấy (từ năm 25 sau Công nguyên) là nhà Đông Hán.

Lễ hội Đền Hát Môn tại huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội).
Lễ hội Đền Hát Môn tại huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội).

Không cam chịu ách nô nệ, nhiều thủ lĩnh người Việt khắp các địa phương đã tập hợp nhân dân ta đứng lên đuổi giặc, trong đó có khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào mùa Xuân năm 40.

Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị) là con gái của một gia đình Lạc tướng huyện Mê Linh. “Đền nợ nước, trả thù nhà”, mùa xuân năm 40, tại đất Hát Môn, Hai Bà phất cờ khởi nghĩa. Trong thời gian ngắn, khởi nghĩa đã thành công, nền độc lập của dân tộc được khôi phục.

Bà Trưng Trắc xưng vương, thiết lập nhà nước độc lập, đóng đô ở Mê Linh. Chính quyền mới đã miễn thuế cho nhân dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân trong 2 năm. Tuy vậy, đến năm 43, Hai Bà Trưng đã thất thủ trước đội quân xâm lược hùng mạnh gấp bội của nhà Đông Hán và gieo mình xuống dòng sông Hát tuẫn tiết. Sau khi Hai Bà hóa thân về cõi vĩnh hằng, người dân làng Hát Môn đã lập Đền thờ ngay trên mảnh đất khi xưa Hai Bà lập đàn thề ra trận, làm nơi thờ cúng, tưởng nhớ và ghi sâu công đức.

Trải qua nhiều đời trùng tu tôn tạo, đền Hát Môn hôm nay tọa lạc trên một dải đất cao, rộng, thoáng, bên triền đê sông Hát. Tháng 12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định xếp hạng Đền Hát Môn là Di tích quốc gia đặc biệt.

Phát huy truyền thống

Theo Chủ tịch UBND xã Hát Môn Đặng Văn Lập, từ xưa tới nay, nhân dân xã Hát Môn và huyện Phúc Thọ vẫn duy trì 3 dịp lễ trọng. Một là, ngày mùng 4 tháng 9 (âm lịch) là ngày Hai Bà Trưng lập đàn thề, tế trời đất trước khi ra trận. Hai là, Đại lễ 24 tháng Chạp (24 tháng 12 âm lịch) là ngày kỷ niệm chiến thắng của Hai Bà Trưng và là ngày hội rước lớn nhất trong năm với hai nội dung chính: Rước Mộc dục và Dịch phục.

Thuỷ đình trong khuôn viên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ).
Thuỷ đình trong khuôn viên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ).

Và dịp lễ trọng thứ ba là ngày mùng 6 tháng 3 (âm lịch), là ngày Hai Bà Trưng tuẫn tiết (thường gọi là ngày hóa của Hai Bà), dân làng tổ chức tế lễ và mở hội với nhiều trò chơi dân gian, thu hút hàng nghìn khách thập phương về dự. “Với những giá trị to lớn, tháng 1/2016, Lễ hội truyền thống Đền Hát Môn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…” - ông Đặng Văn Lập thông tin thêm.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phúc Thọ Nguyễn Minh Tuấn cho biết, nhằm bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, UBND huyện Phúc Thọ đã xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa (ngày mùng 4/9 âm lịch) năm 2023. Lễ kỷ niệm khẳng định ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, giáo dục và khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, nhất là đối với thế hệ trẻ; giới thiệu truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người Phúc Thọ.

Cũng theo đại diện Phòng Văn hoá - thông tin huyện, đây sẽ là dịp để huyện Phúc Thọ phát huy giá trị di sản văn hóa; quảng bá nét đẹp truyền thống, từng bước xây dựng điểm đến kết nối du lịch trong và ngoài huyện, đóng góp vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.