Khơi dậy tiềm năng của Hà Nội

TS Nguyễn Đức Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 15) đề ra toàn diện mục tiêu TP Hà Nội cần phải phấn đấu, là kim chỉ nam để Hà Nội tăng tốc phát triển trong giai đoạn tới.

Đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững

Với tiềm năng vị trí lớn, là trung tâm “đầu não” về chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học giáo dục của cả nước, Hà Nội đã xác định vai trò là đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của cả nước, luôn tiên phong với những mô hình kinh tế mới, cách làm hay, sáng tạo. 

Sản xuất thiết bị điện tử xuất khẩu tại Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất thiết bị điện tử xuất khẩu tại Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Hà Nội đã vươn lên mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trong nước (GRDP) hàng năm của TP trong giai đoạn 2016-2020 duy trì ở mức cao và luôn cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước. Hà Nội hiện là một trung tâm kinh tế lớn, đóng góp gần 20% GDP của cả nước. Đồng thời đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng đồng bằng sông Hồng. 

Thu NSNN hằng năm đều tăng và vượt dự toán; giai đoạn 2011-2020 đạt gần 2 triệu tỷ đồng; năm 2021, mặc dù tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu vẫn vượt 12,8% dự toán Trung ương giao, đạt 265,77 nghìn tỷ đồng. 

Từ đó có thể thấy những cơ chế đặc thù để Hà Nội vươn tầm trong giai đoạn tới, cũng là đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước. Nghị quyết số 15/NQ-TU của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm: “... xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển”. 

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.

Tầm nhìn đến năm 2045: Thủ đô Hà Nội là TP kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, TP Hà Nội sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn và trách nhiệm nặng nề. Thực tế những năm qua cho thấy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước với sức chống chịu khá tốt trước những tác động từ bên ngoài và dịch Covid-19, nhưng nhìn chung kinh tế Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Tăng trưởng kinh tế chưa hoàn thành mục tiêu đề ra, tốc độ dần chậm lại. Hạ tầng kinh tế phát triển chưa đáp ứng yêu cầu; việc khai thác các nguồn lực, đặc biệt là đất đai chưa hiệu quả... Đáng lưu ý là môi trường đầu tư ở Hà Nội chưa thực sự vượt trội, một số chỉ số còn ở vị trí thấp so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Thời gian tới, Hà Nội cần có những giải pháp hiệu quả cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khai thác được tiềm năng, thế mạnh, sức cạnh tranh của TP; đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các sở, ngành, quận huyện; phối hợp với các cấp ngành đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa các DN Nhà nước theo đúng kế hoạch đã được các cấp có thẩm quyền quyết định;…

Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Nghiên cứu các nội dung lớn mang tính chiến lược, có tính bao trùm, tổng thể trên lĩnh vực: kinh tế (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn)…

Để Hà Nội xứng đáng là đô thị đặc biệt

Bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, vấn đề môi trường, quy hoạch là chiến lược để bảo đảm phát triển bền vững. TP cần quy hoạch, có diện tích hợp lý cho cây xanh, mặt nước, nhất là những vùng phát triển mới ngoài vành đai 3 và 4. Cùng với đó, Hà Nội cần khai thác hiệu quả hơn nguồn lực tài nguyên, nhất là quỹ đất ven sông Hồng.

Hiện nay hạ tầng kinh tế, xã hội của Hà Nội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu. Báo cáo của UBND TP Hà Nội đánh giá, một số mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ trong công tác quy hoạch còn chưa đạt yêu cầu, chất lượng, một số đề án quy hoạch, quản lý quy hoạch còn hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển chưa đồng đều; tỷ lệ đất dành cho giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường không khí và xử lý nước thải sinh hoạt còn thấp, chậm cải thiện. Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (công trình giao thông, nhà máy xử lý rác thải, nước thải, công viên,…) còn chậm…

Việc phát huy được lợi thế về vị trí của Hà Nội phụ thuộc rất lớn vào công tác quy hoạch xứng tầm, cùng với chất lượng quản lý và thực hiện quy hoạch. Vì thế trong Nghị quyết Bộ Chính trị đã yêu cầu Hà Nội phải "nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch".

Để đón trước sự phát triển hiện đại của Hà Nội với vai trò một đô thị đặc biệt, hạt nhân của vùng đồng bằng sông Hồng, cần chú ý bảo đảm tỷ lệ đất dành cho giao thông trong quỹ đất đô thị. Như hiện nay sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải của Hà Nội, quỹ đất dành cho đô thị mới đạt 10% (khoảng 50% yêu cầu), đất dành cho giao thông tĩnh là 1% (30% nhu cầu)…

Theo Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/2011/QĐ-TTg định hướng đối với Đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội, theo đó Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, được liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và Quốc gia. 

Đây là mô hình phù hợp với xu hướng chung của các nước đang phát triển, phù hợp với thực tế phát triển của Thủ đô Hà Nội hiện nay và tương lai. Đổi mới cấu trúc đô thị từ "Đơn cực" sang "Đa cực", Thủ đô Hà Nội - mô hình chùm đô thị.

Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị có tầm nhìn xa và lớn, Hà Nội phải hành động và thực hiện ngay từ những việc nhỏ nhất. Hà Nội cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch.

Sửa Luật Thủ đô tạo cơ chế đặc thù 

Những phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2045 được Bộ Chính trị đề ra là rất nặng nề, Hà Nội sẽ phải huy động một nguồn lực rất lớn. Ưu tiên hợp lý nguồn vốn từ NSNN kết hợp với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là dưới hình thức đối tác công tư (PPP), gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Thủ đô…

Nhằm thể chế hóa Nghị quyết và tạo hành lang pháp lý để hiện thực các cơ chế đặc thù phát triển Thủ đô, Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị giao, Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo sửa đổi Luật Thủ đô và một số luật có liên quan theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, trong đó lưu ý đến việc chủ động nguồn thu, nhiệm vụ chi nhằm ưu tiên hơn nữa nguồn lực đầu tư cho phát triển, bảo đảm kinh phí thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô không chỉ là khắc phục những hạn chế, bất cập đã được tổng kết, đề xuất trong nghiên cứu cụ thể mà còn xác định kế thừa những quy định mới về cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù, mô hình chính quyền đô thị, để củng cố cơ sở pháp lý, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù trên tinh thần Hà Nội vì vùng, cả nước và cả nước, cả vùng vì Hà Nội. Đồng thời Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tổng kết, bổ sung, sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô. Đây là cơ hội để Hà Nội huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển với mục tiêu là TP kết nối toàn cầu, vào năm 2045  có thu nhập cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần