Khơi dậy tinh thần yêu nước bằng “sức mạnh mềm”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/6, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội phối hợp với báo Người Hà Nội tổ...

Kinhtedothi - Sáng 25/6, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội phối hợp với báo Người Hà Nội tổ chức Tọa đàm "Văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô với chủ quyền biển đảo Việt Nam" và ra tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển của Việt Nam.

Theo tuyên bố chung của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, giới văn nghệ sĩ TP kịch liệt phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: "Các văn nghệ sĩ, trí thức của Thủ đô bày tỏ sự bất bình cao độ và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc"; "Yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương - 981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực"; "Đàm phán để xử lý các bất đồng xung quanh vấn đề này trên tinh thần hòa bình, tôn trọng Luật pháp quốc tế"… 
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tác nghiệp tại Trường Sa.     Ảnh: Sĩ Đại
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: Sĩ Đại
 
Cùng với đó, bài phát biểu đầy sức thuyết phục thêm khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường sa. Như chia sẻ của PGS Nguyễn Hữu Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): Chưa kể đến các nguồn tài liệu cổ, thư tịch Hán Nôm, chỉ tính riêng trên báo quốc ngữ đầu thế kỷ XX cũng đã khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Trên tờ Tràng An báo xuất bản tại Huế vào khoảng giữa năm 1938 đã có cả loạt bài thông tin, điều tra, khảo cứu nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Tác giả Thúc Dật đã dẫn chứng các tư liệu như: "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn (1776), "Đại Nam nhất thống chí toàn đồ", "Cổ Đại Nam nhất thống chí", "Lịch triều loại chí" của Phan Huy Chú, "Đại Nam nhất thống chí" của Cao Xuân Dục…, sau đó phân tích, lý giải và kết luận, dân tộc Việt Nam đã thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa được 240 năm. 

Thời gian qua, rất nhiều tác phẩm về biển đảo quê hương của các văn nghệ sĩ Thủ đô giành giải cao tại các cuộc thi lớn, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước của công chúng Hà Nội và cả nước. Có mặt tại Trường Sa từ 15 - 26/5, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cảm phục sự anh dũng của các chiến sĩ Trường Sa, đặc biệt là 37 chiến sĩ Thủ đô mà ông được tiếp xúc. Trong số đó có những chiến sĩ trẻ, nhưng họ sẵn sàng hy sinh và luôn hướng về đất liền, mong đất liền được bình yên, hạnh phúc. "Thế nên, tôi nghĩ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc không nhất thiết là phải viết về tấm gương anh dũng của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió mà các văn nghệ sĩ còn có thể đấu tranh bằng cách viết về các tấm gương bình dị mà cao quý, chống thói hư tật xấu nơi đất liền như mong muốn của những người lính đảo. Viết để Hà Nội ngày càng phát triển, giàu đẹp cũng là cách chúng ta thể hiện lòng yêu nước, yêu Hà Nội" - nhà thơ Sĩ Đại chia sẻ. 

Đồng tình với quan điểm này của nhà thơ Sĩ Đại, các văn nghệ sĩ đều khẳng định, vẫn có thể dùng "sức mạnh mềm" của văn học nghệ thuật để khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình của người dân Việt Nam. Và họ sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc qua những sáng tác, công trình nghiên cứu khoa học của mình.
 
Chiều 25/6, triển lãm tranh mỹ thuật "Đến với Trường Sa" khai mạc tại Nhà triển lãm Mỹ thuật TP Hà Nội (16 Ngô Quyền). Đây là hoạt động hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về biển đảo quê hương, góp phần cùng Nhân dân cả nước bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước. Tọa đàm về triển lãm sẽ diễn ra vào ngày 4/7.