Với chủ đề “Sắc màu văn hóa Thủ đô” triển lãm giới thiệu đến công chúng 80 bức ảnh, là những khoảnh khắc, góc nhìn chân thực, sinh động, với nhiều sắc màu đa dạng của những nghệ sĩ, nhà báo, phóng viên, người yêu nhiếp ảnh về Thủ đô Hà Nội - Thành phố sáng tạo.
Hội tụ nét đẹp Thủ đô
Năm 2022 là năm thứ 17 triển lãm ảnh Hà Nội trong tôi được tổ chức. Trải qua 17 năm với nhiều chủ đề đa dạng, phong phú như: “Dấu ấn Hà Nội 60 năm” vào năm 2014; “Hà Nội - Hành trình 30 năm đổi mới” năm 2015; “Dấu ấn di sản kiến trúc Hà Nội” năm 2016; “Nhịp sống Thủ đô” năm 2017; “Làng nghề - phố nghề” năm 2018; “Hà Nội thân thiện và sáng tạo” năm 2019; “Tự hào Thăng Long - Hà Nội” năm 2020 và đặc biệt là triển lãm ảnh trực tuyến “Hà Nội - Những ngày không quên” năm 2021, tổ chức trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19… Hàng năm, triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” đã trở thành điểm hẹn của người yêu nhiếp ảnh, yêu Thủ đô vào đầu tháng 10.
Năm nay, với chủ đề “Sắc màu văn hóa Thủ đô”, triển lãm giới thiệu đến công chúng những hình ảnh sinh động về hoạt động văn hóa Thủ đô đang hồi phục, phát triển mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Đặc biệt, với việc trở thành thành viên Mạng lưới sáng tạo của UNESCO và xác định rõ công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” đã giới thiệu đến người xem những tác phẩm nhiếp ảnh cho thấy rõ mục tiêu của Hà Nội - phấn đấu trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.
80 bức ảnh của triển lãm được chia làm 3 chủ đề: “Hà Nội - Thành phố sáng tạo”; “Hoạt động văn hóa nghệ thuật, hồi sinh”; “Hà Nội - trung tâm du lịch lớn của cả nước”.
Trong phần 1 “Hà Nội - Thành phố sáng tạo”, người xem có thể thấy được những góc nhìn về một TP ngày một năng động, sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng. Với những tác phẩm như: “Hà Nội hôm nay” của tác giả Phạm Hùng; “Một công trình mới” tác giả Vũ Văn Cảnh; “Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng” của tác giả Chiến Công; “Không gian sáng tạo tại phố Phúc Tân, Hà Nội” của tác giả Ngọc Thành; “Sắc màu chuồn chuồn tre” của tác giả Nguyễn Văn Năm… đã cho thấy góc nhìn về một mảnh đất ngàn năm văn hiến, hội tụ đầy đủ điều kiện phát huy các yếu tố về cơ sở hạ tầng văn hóa đô thị, các ngành công nghiệp văn hóa, là nơi thể hiện sức hấp dẫn về văn hóa thông qua các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể.
Phần 2 với chủ đề “Hoạt động văn hóa, nghệ thuật hồi sinh” là hình ảnh về hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch dần sôi động trở lại sau thời gian khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, nổi bật là những hình ảnh về lễ hội đầu năm 2022 như: “Múa rồng Hà Nội” của tác giả Nguyễn Gia Khánh; “Lễ hội gò Đống Đa” của Từ Văn Chí; “Trống hội” của Lại Tấn; “Đặc sắc điệu chèo quê hương” của Nguyễn Mạnh Hùng.
Đặc biệt, người xem có thể thấy được những hình ảnh ấn tượng, xúc động của Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 đạt thành tích xuất sắc, ghi dấu ấn lịch sử với 446 huy chương các loại. Đó là những khoảng khắc về: “Nụ cười chiến thắng của Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam” của tác giả Hoàng Quân; “Đường kiếm” của Ngọc Tú; “Nhiệt huyết trên khán đài” của Tuyến Híp.
Trong phần 3 “Hà Nội - trung tâm du lịch lớn của cả nước”, công chúng có thể thấy được những những hình ảnh quen thuộc về Thủ đô thông qua các sự kiện được tổ chức thời gian gần đây như Chương trình "Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022"; Lễ hội khinh khí cầu "Hà Nội muôn màu"; VITM Hà Nội 2022. Điều này cho thấy du lịch Hà Nội đã thực sự phục hồi sau một thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, góp phần thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển ngành du lịch Thủ đô thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thông qua những tác phẩm như: “Lễ hội khinh khí cầu bên bờ sông Hồng” của tác giả Tạ Quang Hậu; “Đoàn thể thao Thái Lan tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong thời gian diễn ra SEA Games 31” của Nam Nguyễn; “Tận tình với du khách” của Lê Huy Cường; “Duyên dáng trong tà áo dài Việt Nam” của Bùi Văn Sơn… đã cho thấy Hà Nội thực sự trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn.
Sự kiện văn hóa có sức lan tỏa mạnh
Theo Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội Nguyễn Văn Phúc: “80 tác phẩm trong triển lãm lần này do hơn 30 thành viên của Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội, các phóng viên, cộng tác viên của báo Kinh tế & Đô thị thực hiện và lưu giữ trong nhiều năm tháng làm nghề.
Ngoài thể hiện rõ nét sự tự hào về Hà Nội - Thủ đô anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, các tác phẩm còn thể hiện rõ nét tình yêu Hà Nội của các tác giả - những người đã sống, làm việc và gắn bó với Thủ đô mấy chục năm qua. Thông qua các tác phẩm, công chúng thấy được Hà Nội đã và đang phục hồi, phát triển mạnh mẽ sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh”.
Nói về dấu ấn của triển lãm, NSNA Trần Quang Lợi - Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hà Nội chia sẻ: Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi" đến nay đã trở thành một sự kiện văn hóa có sức lan tỏa trong đời sống báo chí, văn hóa của Thủ đô
Hà Nội. Các tác phẩm đã ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp, ấn tượng của Thủ đô trên các lĩnh vực, đặc biệt là việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Triển lãm ảnh cũng cho thấy, Hà Nội đã và đang có những dấu ấn đầu tiên trên lộ trình vươn tới tầm nhìn Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á. Cụ thể, các bức ảnh cũng đã khắc họa, thể hiện vẻ đẹp cảnh quan, con người Hà Nội trong thời kỳ đổi mới, đồng thời ca ngợi những con người lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống; phản ánh việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả".
Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” lần thứ 17 giúp những người yêu Thủ đô có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ hơn về Hà Nội -Thành phố sáng tạo. Từ đó tạo cảm hứng, khơi dậy tình yêu Hà Nội, ý chí, khát vọng vươn lên để mỗi người dân Hà Nội phát huy hơn nữa tính sáng tạo của mình trong mọi lĩnh vực, để sự sáng tạo trở thành chất liệu, động lực phát triển Thủ đô. Thông qua triển lãm, các nghệ sĩ đã tô thắm thêm hình ảnh và quảng bá, tôn vinh nét đẹp lịch sử, văn hóa của Thủ đô.