Tại đây, những câu chuyện từ những hành động đẹp, những việc làm tốt của mỗi tấm gương bình dị trong đời sống Thủ đô đã được sẻ chia và lan tỏa, để từ đó, những việc làm tốt ngày càng được nhân lên nhiều hơn trong cuộc sống.
“Món ăn tinh thần” không thể thiếuTriển khai và duy trì từ năm 2015, đến nay, cuộc thi phát hiện và viết về gương ĐHTT, NTVT do Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội phối hợp cùng báo Kinh tế & Đô thị tổ chức đã trở thành một "kênh" quan trọng trong phát hiện, nhân rộng các tấm gương NTVT tiêu biểu. Trong số các tác phẩm được đăng tải, nhiều bài viết đã thể hiện chân thực, xúc động về những tấm gương bình dị nhưng cao quý trong mọi mặt đời sống của Thủ đô. Từ những tấm gương say mê nghiên cứu khoa học, nhà giáo tận tụy vì học sinh, đến các tấm gương trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động xã hội, hết lòng vì cộng đồng... Điểm chung ở họ là đều có những việc làm tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Tạo thành những nhân tố sống động nhất, đòn bẩy động lực để phong trào thi đua NTVT của TP ngày càng hiệu quả hơn.
|
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Hải |
Năm 2018, Ban Thi đua - Khen thưởng tiếp tục triển khai cuộc thi viết này với ý nghĩa kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018). Ngay từ khi triển khai, Cuộc thi viết về “Gương ĐHTT, NTVT” trong phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo bạn đọc, người viết và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô. Qua các tác phẩm đăng tải, Ban tổ chức cuộc thi đã chọn và mời các gương ĐHTT, NTVT tham gia Tọa đàm trực tuyến gương ĐHTT, NTVT TP Hà Nội năm 2018 trên báo điện tử Kinh tế & Đô thị. Bên cạnh những câu chuyện về những tấm gương hết sức bình dị trong đời sống Thủ đô, những người dân đã dành tâm huyết và sức lực của mình để góp phần xây dựng cộng đồng, xây dựng cuộc sống văn minh hơn, đẹp hơn, còn có những tấm gương công chức, viên chức say nghề, đam mê sáng tạo, đề cao lợi ích của Nhân dân lên trên hết. Đó là những đóa hoa tươi thắm “trong rừng hoa đẹp”, là minh chứng sinh động nhất của phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh".
“Tôi thấy đất nước mình, con người rất tốt, tình yêu thương, chia sẻ nhiều lắm. Và tôi chỉ mong rằng, một ngày gần nhất, việc làm như của tôi, cũng như những người khác, không còn là đặc biệt nữa mà nó sẽ trở nên rất đỗi bình thường. Bởi vì tất cả chúng ta ai cũng là con người và đều yêu thương, chia sẻ cùng với những người có hoàn cảnh khó khăn”.- Chị Đào Phương Thanh chia sẻ với cộng đồng tại cuộc tọa đàm. |
Năm 2018 là năm thứ 4, Ban Thi đua khen thưởng TP Hà Nội phối hợp cùng báo Kinh tế & Đô thị tổ chức cuộc thi viết và phát hiện gương ĐHTT, NTVT với mong muốn tuyên truyền, giới thiệu gương ĐHTT, NTVT, nhân rộng và giao lưu học hỏi, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu. Báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục đồng hành cùng phong trào thi đua của TP Hà Nội để các gương điển hình ngày càng được phát hiện nhiều hơn, thông tin về những tấm gương ĐHTT, NTVT xuất hiện trên báo chí sẽ ngày càng nhiều hơn, để nhân lên, lan tỏa mạnh mẽ những việc tốt trong xã hội, đóng góp cho vườn hoa NTVT của cả nước cũng như góp phần giúp cho Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
“Cho đi là nhận lại”Mỗi cuộc giao lưu đều mang lại cho người tổ chức và cả độc giả nhiều cung bậc, cảm xúc. Và buổi tọa đàm trực tuyến gương ĐHTT, NTVT TP Hà Nội năm nay cũng tạo ra rất nhiều cảm xúc với những câu chuyện đẹp. Đó là cậu bé học sinh lớp 6 (Hà Nội) Nguyễn Như Khôi, học tập tấm gương của Bác về lòng nhân ái, em thường dành tiền tiết kiệm để làm từ thiện với quan điểm "Cho đi là nhận lại" mà "không nhận lại thì cũng đã được cho đi". Đó thực sự là niềm hạnh phúc lớn đối với Khôi. “May mắn được ông Trời ban cho em giọng hát hay. Em thấy hạnh phúc vì được hát cho tất cả mọi người. Khi đi hát, em cũng được trả thù lao và em tiết kiệm được một số tiền nhất định nhờ đi hát. Gần đây nhất, em đã mua được 4 tấn sữa; 2 tấn sữa tặng các ông, bà ở trại dưỡng lão, 2 tấn sữa còn lại, em dành tặng trẻ em vùng cao” - Khôi chia sẻ. Với Khôi, để nhiều người cùng làm theo những việc tốt thì trước tiên, mình phải làm việc đó đã. Việc tốt đó có ý nghĩa đối với một cá nhân, một nhóm người hay cho toàn xã hội.
Nói về tình người trong cuộc sống, có biết bao con người đang sống vì mọi người. Câu chuyện về chị Đào Phương Thanh (SN 1968) - Chi hội trưởng Chi hội chữ thập đỏ tổ dân phố (TDP) số 16 phường Giang Biên, quận Long Biên - người phụ nữ bị phơi nhiễm HIV do quá trình chăm sóc em trai bị bệnh năm 2004 đến nay đã là 14 năm, chị vẫn không đầu hàng số phận, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, lan tỏa những hành động đẹp đến cộng đồng, bằng những việc làm thiện nguyện. Không chỉ lặng lẽ chiến đấu với căn bệnh thế kỷ, mà ngày ngày chị còn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” chung sức cùng CLB Hoa Sữa đẩy lùi bệnh “H”, mua quần áo khâm niệm các bệnh nhân tử vong vì “H” không có người nhà, sẵn sàng tham gia các chuyến từ thiện khắp cả nước. Duy chỉ có điều, hiện nay, chị phải sống gấp gáp hơn trước, mong muốn làm nhiều việc thiện hơn để chạy đua với thời gian, bởi chị còn đang mang trong mình căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nhưng chị vẫn lạc quan nói rằng: "Thanh bị thượng đế gọi tên hai lần rồi, nhưng không sao, vẫn phải sống thật vui". Chị bảo, đáng lẽ chị phải đi Singapore để tiếp tục với cuộc chiến điều trị hóa chất nhưng vì yêu quý chương trình từ thiện ở Bệnh viện K – Tân Triều, hát và phát cháo cho các em bệnh nhân nên chị đã xin bác sĩ lùi lại một ngày. Chị Thanh cũng mong muốn mọi người không kỳ thị, không phân biệt đối xử với những người bị HIV. “Những người bị nhiễm HIV như tôi, họ phải được sống tự tin, được yêu thương, được chia sẻ, được đóng góp cho xã hội thì họ mới có thể sống được một cuộc sống khỏe mạnh. Hiện nay, tôi đang hỗ trợ khoảng hơn 1.000 người, sống khỏe mạnh như tôi” - chị Thanh lạc quan nói.
Trong hàng vạn những tấm lòng đang chung sức, chung tay xây dựng đời sống cộng đồng văn minh, tiến bộ, có một điều đặc biệt, đó là có cả sự chung tay của những người đang sinh sống và công tác tại Hà Nội. Như bà Nguyễn Thị Minh Phương (SN 1958) - thành viên tích cực của nhóm “Làm sạch đẹp Hồ Gươm với Ninomiya”, 6 năm kiên trì, bền bỉ, dọn vệ sinh môi trường, làm sạch đẹp cảnh quan Hồ Gươm. Câu chuyện của bà và nhóm cũng đã truyền cảm hứng cho giới trẻ Hà Nội với ý thức bảo vệ môi trường.
Trong cuộc sống, sẽ đến một ngày, bạn gặp được một người mà mỗi lần gặp bạn, gương mặt của họ đều ánh lên nụ cười hạnh phúc. Với thầy giáo Đàm Bạch Long - Tổ trưởng tổ tự nhiên trường THCS Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm), 30 năm cùng những đam mê, sáng kiến, phục vụ cho việc giảng dạy, học tập mà thầy còn có nhiều sáng kiến, sáng tạo, mẹo vặt được áp dụng trong đời sống, gia đình. Ngoài những giờ dạy trên lớp, thầy mở những lớp học miễn phí tại nhà. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thầy còn mua sách, vở, đồ dùng học tập, thậm chí là xe đạp để bạn có thể đến trường...
Mỗi hoàn cảnh, mỗi nhân vật là một câu chuyện khác nhau, nhưng trên hết là tình yêu, là trách nhiệm với cộng đồng của những bông hoa đẹp trong vườn hoa người tốt việc tốt của Thủ đô vẫn miệt mài cống hiến vì một xã hội tốt đẹp, nhân ái.