Dự án này đang được 5 Tổng Công ty (Tổng công ty) Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là miền Bắc, miền Trung, miền Nam, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh triển khai.
Bắt đầu từ miền Bắc
Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC) là một trong những tổng công ty triển khai sớm dự án DEP trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và Thanh Hóa là địa phương đầu tiên được tổng công ty này chọn khởi động dự án.
Tại Thanh Hóa, EVN NPC thực hiện dự án cải tạo đường dây 110kV Ba Chè-Núi 1 trên địa bàn huyện Đông Sơn và Thiệu Hóa với số vốn đầu tư gần 62 tỷ đồng; trong đó vốn vay WB tương đương gần 49 tỷ đồng.
Động thổ khởi công dự án.
Ông Thiều Kim Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc EVN NPC cho biết, Dự án Phân phối hiệu quả - khu vực phía Bắc do EVN NPC làm chủ đầu tư sẽ triển khai trong 5 năm (2013-2017) với tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng (tương đương 201 triệu USD). Trong đó, chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay ODA là 3.358 tỷ đồng, tương đương 161,4 triệu USD. Vốn đối ứng của EVN NPC khoảng 865 tỷ đồng, tương đương 29,6 triệu USD.
Nguồn vốn vay ODA sử dụng cho mua sắm thiết bị, phương tiện, vật liệu điện và thanh toán cho các hợp đồng xây lắp. Vốn đối ứng của chủ đầu tư chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án, chi phí đền bù và thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, đóng các loại thuế, phí.
Giai đoạn 1, dự án DEP sẽ xây dựng và củng cố hệ thống lưới điện 110kV (bao gồm các công trình đường dây và trạm biến áp) tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang; các công trình trung, hạ áp tại 211 xã/42 huyện, thị trấn thuộc 6 tỉnh là Nam Định, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn và Tuyên Quang.
Giai đoạn 2, EVN NPC tiếp tục thi công các công trình 110kV tại 15 tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Lào Cai, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh....; các công trình trung, hạ áp tại 19 tỉnh và 2 tiểu dự án cải tiến công nghệ nhằm hiện đại hóa hệ thống lưới điện phân phối.
Ông Quỳnh khẳng định sau khi hoàn thành dự án, lưới điện phân phối khu vực phía Bắc sẽ nâng cao hiệu quả và khả năng cung cấp điện an toàn, ổn định cho khách hàng, tăng cường độ tin cậy cho hệ thống lưới điện, giảm tổn thất điện năng trên lưới phân phối, đồng thời tăng cường khả năng truyền tải của hệ thống điện trung và hạ áp nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải của khu vực nông thôn và cận nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng điện nói chung và khu vực phía Bắc nói riêng.
Hiện đại hóa lưới điện phân phối
Mới đây, ngày 7/1/2013, Chính phủ đã phê duyệt cơ chế tài chính cho Dự án DEP; đồng thời giao cho EVN chịu trách nhiệm thẩm định khả năng trả nợ, giám sát Tổng công ty Điện lực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng khoản vay đúng mục đích và có văn bản bảo lãnh cam kết trả nợ thay trong trường hợp hai Tổng công ty này không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định.
Với sự tài trợ của Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) - WB; Quỹ Công nghệ sạch (CTF) và Cơ quan phát triển quốc tế của Chính phủ Australia (AusAid), dự án DEP có tổng mức đầu tư khoảng 724,8 triệu USD; trong đó, vốn ODA khoảng 488,9 triệu USD và vốn đối ứng khoảng 238,3 triệu USD, do EVN làm chủ đầu tư và 5 Tổng công ty Điện lực là chủ dự án thành phần.
Đây là dự án sử dụng vốn vay WB lớn nhất dành cho lưới điện phân phối ở Việt Nam. Và cũng là dự án được ông Văn Tiến Hùng, Giám đốc dự án thuộc WB tại Việt Nam đánh giá là dự án có thời gian chuẩn bị nhanh nhất từ trước đến nay (chỉ trong vòng một năm) so với các dự án trước thường là 2-3 năm.
Mục tiêu của dự án là nâng cao hiệu quả hệ thống lưới điện phân phối, tăng khả năng cung cấp dịch vụ điện năng chất lượng và tin cậy cho các Tổng công ty Điện lực của Việt Nam, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc điều chỉnh nhu cầu phụ tải.
"Dự án cũng sẽ hỗ trợ cho chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương, đặc biệt là thực hiện chương trình nông thôn mới do Đảng và Chính phủ đề ra", ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc EVN nhận xét.
Theo Bộ Công Thương, dự án sẽ triển khai làm 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 có 44 tiểu dự án lưới điện 110kV và lưới điện trung thế trên 40 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 266,9 triệu USD. Giai đoạn 2 có khoảng 31 tiểu dự án lưới điện 110kV và lưới điện trung thế tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc cùng với các tiểu dự án thuộc Cấu phần hiện đại hóa hệ thống lưới điện phân phối và Cấu phần hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực với tổng mức đầu tư khoảng 451,8 triệu USD.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, trong giai đoạn từ nay đến năm 2017, Dự án DEP sẽ xây dựng và củng cố lưới điện 110kV do 5 Tổng công ty Điện lực quản lý; xây dựng và củng cố lưới điện trung áp, hạ áp, bao gồm đường dây và các trạm biến áp khu vực nông thôn. Từ đó sẽ hỗ trợ các Tổng công ty Điện lực đáp ứng nhu cầu phụ tải hiệu quả, tránh được việc hạn chế cấp điện, giảm tổn thất điện năng, tăng độ tin cậy và chất lượng điện cung cấp.
Bên cạnh đó, hiện đại hóa hệ thống lưới điện phân phối bằng việc thí điểm và mở rộng áp dụng công nghệ mới về tự động hóa đối với vận hành hệ thống lưới điện phân phối, đo đếm phụ tải và điện năng tiêu thụ.
Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho các Tổng công ty Điện lực để giúp nâng cao năng lực vận hành công nghệ lưới điện thông minh và các chương trình điều khiển phụ tải, vận hành hệ thống hiệu quả, cũng như áp dụng khung giám sát và đánh giá hoàn thiện hơn.
Bộ Công Thương nhận định, với sự hỗ trợ từ Quỹ AusAid, sẽ giúp Cục Điều tiết Điện lực tập trung hoàn thiện các chương trình thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và đảm bảo giám sát, đánh giá hiệu quả. Dự án còn góp phần thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, đồng thời tăng cường an ninh năng lượng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.