Khởi nghiệp chỉ với đam mê là chưa đủ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau cả chục lần khởi nghiệp thất bại vì làm theo phong trào, Nguyễn Đình Khoa – chủ chuỗi trà sữa Miutea nhận ra rằng khởi nghiệp chỉ có đam mê thôi là chưa đủ, cái cần nhất chính là kiến thức và sự kiên định mục tiêu.

Trả giá vì “đẽo cày giữa đường”
Tốt nghiệp ngành Nhiệt lạnh tại ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh nhưng chàng thanh niên Nguyễn Đình Khoa (sinh năm 1987) đã sớm từ bỏ công việc đúng ngành, đúng nghề để khởi nghiệp khi mới ngoài 20 tuổi. “Tôi hăm hở lao vào kinh doanh giống như một con thiêu thân, nhìn đâu cũng thấy cơ hội, thấy ai làm gì cũng muốn làm theo mà không lường trước được hậu họa. Trong khi, thứ duy nhất tôi có là niềm đam mê cháy bỏng, cộng với sự năng nổ của tuổi trẻ” – Khoa tâm sự.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp đầy trắc trở của mình, Khoa kể: Lĩnh vực đầu tiên anh đặt chân vào là cùng một người bạn hùn vốn mở quán cà phê, với số vốn 650 triệu đồng. Số tiền bỏ ra là tất cả vốn liếng anh tích lũy được trong quá trình đi làm và tiền vay từ bố mẹ.
 Nguyễn Đình Khoa - giám đốc chuỗi trà sữa Miutea đang đào tạo học viên. Ảnh: Phương Nga
Tuy nhiên, vì sự nóng vội, chủ quan và thiếu kinh nghiệm nên chỉ hoạt động được 2 tháng quán đã phải đóng cửa. Liên tiếp những lần khởi nghiệp sau đó, chàng thanh niên vấp phải thất bại vì thiếu kiến thức về sản phẩm, kỹ năng bán hàng, đào tạo nhân sự, cho đến tài chính, marketing…
“Việc “đẽo cày giữa đường” khi khởi nghiệp là sai lầm lớn của tôi. Điều đó khiến tôi không chỉ trả giá bằng tiền, mà còn kèm theo phụ phí thời gian, sức khỏe, mối quan hệ, thậm chí là cơ hội” – Khoa tâm sự.
Cho nên việc kiên trì, không ngừng học hỏi, tìm hiểu bổ sung kiến thức và kinh nghiệm từ nhiều nguồn, nhiều chuyên gia là rất cần thiết. Cùng với đó lắng nghe chia sẻ từ những người đi trước sẽ cung cấp cho bạn một nền tảng tốt để hiểu rõ và tự giải quyết các vấn đề tồn động hoặc mới phát sinh trong DN của mình.
Thành công đến từ tri thức
Nhận thấy mình có niềm đam mê với kinh doanh đồ uống và có một chút kinh nghiệm sau nhiều lần kinh doanh trước đó, năm 2014, Khoa quyết định làm lại từ đầu. Đầu tiên anh đầu tự đi học một khóa pha chế.
Sau khi có kiến thức nhất định, Khoa quay lại kinh doanh trà sữa bằng chiếc xe đẩy trước đó. “Việc kinh doanh này chi phí không cao, hơn nữa sẽ giúp tôi trau dồi kỹ năng bán hàng, cũng như rèn tay nghề trước khi mở rộng kinh doanh” – Khoa chia sẻ.
Tiếp sau đó, Khoa đầu tư học thêm các khóa marketing, quản trị DN, quản lý tư duy tài chính… Năm 2018, anh mở cửa hàng trà sữa với thương hiệu Miutea. Vận dụng linh hoạt những kiến thức đã được học vào quản lý quán, mặc dù lĩnh vực anh đang kinh doanh có nhiều đối thủ cạnh tranh, nhưng với các chương trình, kế hoạch cụ thể nên việc kinh doanh của Khoa khá thuận lợi. Khoa tập trung vào phân khúc giá tầm trung, đầu tư quán theo phong cách trẻ trung để thu hút các bạn trẻ.
Quán cũng thường xuyên “đổi gió” cho khách, cứ 2 tháng bộ phận nghiên cứu lại sáng tạo ra những công thức uống mới, trà trái cây mix các hương vị đặc trưng của miền nhiệt đới. Đây cũng là điểm thu hút của Miutea khi có đa dạng các loại đồ uống phù hợp với khẩu vị riêng của mỗi khách hàng. Nối tiếp thành công của Miutea, Khoa đầu tư mở một công ty chuyên cung cấp nguyên liệu pha chế. Để có lượng khách hàng ổn định, anh mở các lớp đào tạo miễn phí về kinh doanh trà sữa. Thông qua lớp học, anh đã có thêm một lượng khách hàng lớn để cung cấp nguyên liệu.
Để phát triển thương hiệu lớn mạnh, Khoa phát triển hệ thống theo hình thức nhượng quyền. Thông qua hình thức hợp tác này, Khoa nhanh chóng nhân rộng chuỗi cửa hàng Miutea lên trên 100 cửa hàng ở các TP lớn trên cả nước. “Việc phát triển thương hiệu giúp tôi thu hút nhiều nhà cung cấp nguyên liệu với giá nhập ưu đãi hơn. Cùng với đó, lượng học viên ở các lớp học cũng tăng thêm.” – Khoa chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần