Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khởi nghiệp nông nghiệp: Nhiều cơ hội, lắm rủi ro

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lĩnh vực nông nghiệp với đa dạng ngành, nghề và nhiều dư địa khai thác, được xem là “mảnh đất màu mỡ” cho nhiều bạn trẻ dấn thân lập nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, để đầu tư một cách hiệu quả, đem lại lợi nhuận thì không phải việc dễ dàng.

Dễ mà khó
Vài năm gần đây, có một tín hiệu đáng mừng là ngày càng nhiều bạn trẻ có trình độ cao, thậm chí đi du học ở nước ngoài quyết định về quê khởi nghiệp nông nghiệp. Việc làm này đã thổi một luồng gió mới vào nền nông nghiệp nước nhà, tạo ra những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Bản thân startup đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện cũng khá thuận lợi bởi đây là ngành nghề truyền thống, có nhiều chính sách ưu tiên phát triển. Ngoài ra, kể từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết và có hiệu lực, nông sản Việt Nam đã tạm thời không còn lo việc “được mùa mất giá” như trước. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện đã và đang nằm trong top đầu về xuất khẩu như: Rau quả, hạt điều, gạo, cà phê...
 Công nhân làm việc tại Công ty CP Rau, củ, quả Nhật Việt. Ảnh: Phương Nga
Sau 6 năm khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất rau hữu cơ, Giám đốc Công ty CP Rau, củ, quả Nhật Việt Vũ Đình Thuấn nhìn nhận: “Đầu tư vào nông nghiệp tưởng dễ mà khó”. Lấy ví dụ cụ thể tại DN của mình, anh Thuấn cho biết, mặc dù thị trường các loại rau hữu cơ hiện nay rất rộng mở, nhiều dư địa khai thác, tuy nhiên việc khai thác được khách hàng lại là cả một vấn đề.
Bởi thị trường thực phẩm sạch và không sạch chưa có ranh giới rõ ràng. Bản thân rau hữu cơ lại có giá cao hơn nhiều sản phẩm truyền thống, trong khi người tiêu dùng Việt Nam có thói quen mua hàng bằng mắt và tai, chưa có thói quen mua hàng bằng tư duy. “DN cần làm truyền thông lâu dài để người tiêu dùng chấp nhận mua giá trị thật của sản phẩm hữu cơ chứ không nhìn vào cái vỏ hình thức bên ngoài” – anh Thuấn chia sẻ.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng IoT vào nông nghiệp, CEO Mimosa TEK Nguyễn Khắc Minh Trí cho rằng, việc ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất là câu chuyện được nhiều cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương bàn tới nhiều năm nay. Nhưng phải nhìn nhận thực tế, đó là hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ, thiếu hạ tầng kết nối và thông tin.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ khai thác tài nguyên bản địa như tích tụ đất đai vẫn còn nhiều bất cập. Tiếp đến là vấn đề nhân sự, gồm cả người đồng hành, nhà đầu tư, người hỗ trợ… không dễ gì tìm kiếm ở vùng nông thôn. Bởi vậy, khi về đến địa phương, ý tưởng dù có ưu việt đến đâu cũng sẽ phát sinh bất cập. Khi đó lại cần người đứng đầu DN có bản lĩnh, kiên trì, sáng tạo.

Cần xây dựng hệ sinh thái đồng bộ

Theo TS Nguyễn Đức Tùng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, khi lựa chọn gắn bó với nông nghiệp, đồng nghĩa các bạn trẻ đã chọn một con đường gian khó. Do đó, các bạn cần tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ về mô hình khởi nghiệp, chọn lựa rồi thử nghiệm chắc chắn. Đặc biệt, cần tránh khởi nghiệp mang tính trào lưu, thiếu thực tế. Các bạn cần xác định đây là con đường dài, cần sự kiên trì và sức bền. Một vấn đề nữa cần nói tới, đó là startup phải có sự liên kết, tạo thành một hệ sinh thái hay một chuỗi giá trị hàng hóa chặt chẽ. Đây là điểm khác biệt so với các lĩnh vực startup khác và cũng là điểm yếu mà các startup nông nghiệp Việt Nam cần cải thiện.

Ông Tùng cho rằng, để khuyến khích các bạn trẻ đầu tư vào nông nghiệp, nhà nước cần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đồng bộ. Cụ thể, cần tập trung hỗ trợ pháp lý cho thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp như: Huy động vốn, xây dựng quỹ khởi nghiệp, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Cùng với đó, xây dựng cộng đồng khởi nghiệp, có sự tham gia của các DN lớn nhằm huy động nguồn vốn, gia tăng tính liên kết trong chuỗi giá trị, hỗ trợ cùng nhau tạo những giá trị đích thực trong nông nghiệp…
Ngoài ra, mỗi địa phương cần có chính sách khuyến khích thanh niên nông thôn chủ động tham gia khởi nghiệp, tối ưu hóa tài nguyên bản địa. Các chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phải được xét là ưu tiên trong thời gian tới. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải đề xuất với Chính phủ có chính sách để kích hoạt được những DN nhỏ và vừa, những DN khởi nghiệp ở các địa phương.

"Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong năm 2020, số DN nông nghiệp được thành lập mới là 1.055 DN, nâng tổng số DN nông nghiệp lên trên 13.280 DN. Nếu so sánh với con số 134.900 DN đăng ký thành lập mới của cả nước trong năm 2020 thì đây vẫn là con số khiêm tốn. Do đó, để cùng viết nên câu chuyện “Quốc gia khởi nghiệp ở đất nước nông nghiệp”, rất cần một chính sách và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương." - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, TS Nguyễn Đức Tùng