Năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học chú trọng đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Đến thời điểm hiện nay, nhiều hoạt động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được triển khai trong các trường đại học. Tuy nhiên, bên cạnh các thành công đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc.
Mới đây, phát biểu tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2024 diễn ra tại ĐH Quốc gia Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT đang xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bao gồm cơ chế, chính sách, công tác quản lý, phát triển đội ngũ chuyên trách, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với hoạt động khoa học công nghệ , đào tạo, kết nối các nguồn lực trong và ngoài trường... tạo ra môi trường thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong giảng viên, sinh viên.
Nói về vấn đề phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong các nhà trường, Ths Trần Thanh Xuyên, giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, thực trạng hoạt động khởi nghiệp trong các trường đại học còn nhiều tồn tại, khiến hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.
Thực trạng cho thấy đã có một số trường đại học quan tâm đến tầm quan trọng của khởi nghiệp nhưng phần lớn hơn vẫn chưa thực sự xem trọng hoạt động này, vì vậy sự bài bản và sự đầu tư lâu dài cho hoạt động này chưa có. Chính vì chưa nhận thức được vai trò của đổi mới sáng tạo khởi nghiệp nên các trường thường lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, bổ biến vào trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. Hiện nay nhiều trường cũng chưa xây dựng Trung tâm khởi nghiệp riêng mà chỉ có Phòng Quản lý khoa học hoặc Phòng Khoa học công nghệ; cán bộ phụ trách hoạt động khởi nghiệp nếu có cũng là công việc kiêm nhiệm. Các đề tài mang tính ứng dụng mới của sinh viên chủ yếu được lựa chọn cho các cuộc thi và trao giải xong là kết thúc một chu kỳ của nghiên cứu khoa học. Mức độ đầu tư cho hoạt động này chỉ nằm ở mức tổ chức một vài hội thảo về khởi nghiệp cho có chứ chưa thực sự xem nó là một hoạt động song hành với hoạt động đào tạo con người.
Về nguồn lực tài chính, vật chất, Ths Trần Thanh Xuyên cũng nhận định, để nghiên cứu ra cái mới, rất cần những cơ sở vật chất để thực hiện hóa các ý tưởng, tuy nhiên không phải trường đại học nào cũng có khả năng đầu tư lớn cho các phòng thí nghiệm, khu chế tạo, máy móc sản xuất thử nghiệm. Các phòng thí nghiệm hay phòng nghiên cứu của các trường đại học Việt Nam chủ yếu mới chỉ phục vụ được cho các nghiên cứu khoa học cơ bản, việc nghiên cứu mang tính chuyên sâu là khó có khả năng.
Trong khi đó, muốn tạo ra được cái mới phải có những nguồn tài chính đủ mạnh để đầu tư cho những thiết bị, máy móc mang tính chuyên môn sâu. Chính vì khó khăn này nên phần lớn các công trình nghiên cứu của sinh viên mới dừng lại chủ yếu ở việc tái sử dụng các nguyên vật liệu bỏ đi trong nông nghiệp thành các vật dụng, chưa có những nghiên cứu mang tính đột phá.
Về nguồn nhân lực, đa phần mỗi trường đều tự tìm tòi cách đi cho riêng mình. Việt Nam là một nước đang phát triển, do vậy nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao còn đang hạn chế, nguồn nhân lực chất lượng cao có kinh nghiệm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là càng hiếm. Vì vậy chưa có một đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực này để đi đào tạo, huấn luyện cho các trường đại học nói chung để có thể xây dựng được mạng lưới khởi nghiệp đủ mạnh.
Các dự án khởi nghiệp cần chú ý đến tính thương mại hóa
Từ bài học của các nước trên thế giới, Ths Trần Thanh Xuyên dẫn chứng, tại Mỹ, hầu như các trường đại học đều thành lập các quỹ thiên thần hoặc đầu tư mạo hiểm, những quỹ này đều có sự kết nối giữa trường với các cựu sinh viên của trường nhằm hỗ trợ sinh viên của trường trong vấn đề khởi nghiệp như quỹ mạo hiểm sáng tạo (Trường Đại học New York), Quỹ đầu tư mạo hiểm Trường Simon và quỹ hạt giống đại học công nghệ (Trường Đại học Rochester)…
“Đây là một mô hình hoạt động mà các trường đại học có thể học tập kinh nghiệm để giải quyết được vấn đề về nguồn vốn đầu tư cho hoạt động đẩy mạnh việc triển khai từ ý tưởng cho đến việc thực hiện ra sản phẩm. Có nhiều trường đại học là cái nôi đào tạo nên nhiều doanh nhân thành đạt, vì vậy việc kết nối được giữa các thế hệ đi trước với thế hệ đi sau của nhà trường là một nguồn lực trong việc vừa thắp lên bầu nhiệt huyết cho sinh viên trong vấn đề khởi nghiệp vừa hình thành nên nguồn quỹ cho hoạt động nghiên cứu khoa học để nhà trường đầu tư cho sinh viên của mình”, Ths Trần Thanh Xuyên khuyến nghị.
Chuyên gia này cũng cho rằng, các trường đại học nên hình thành mạng lưới liên kết về khởi nghiệp giữa các trường đại học trên tinh thần giao lưu, học hỏi và chia sẻ. Hiện nay, phong trào thúc đẩy khởi nghiệp đã hình thành nhưng vẫn theo hình thức “mạnh ai nấy làm”, mỗi trường tự mình xây dựng một cách thức riêng mà chưa có sự hợp tác và chủ động liên kết giữa các trường trên cơ sở cùng chia sẻ các nguồn lực. Đẩy mạnh các chương trình tăng tốc/ khuyến khích.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng nguồn nhân lực cao trên cơ sở nguồn nhân lực được đào tạo tuyển dụng của nhà trường và phối hợp với nguồn nhân lực từ những doanh nhân đã thành công trong khởi nghiệp để hình thành nên đội ngũ nhân lực cao có chuyên môn sâu làm đội ngũ cố vấn cho sinh viên xây dựng, ấp ủ các dự án khởi nghiệp có thể biến ước mơ thành hiện thực qua sự định hướng, chỉ dẫn của đội ngũ cố vấn này. Cần có quy định rõ ràng về chế độ ưu đãi, chính sách đối với đội ngũ này để họ thực sự tâm huyết với công việc được lựa chọn.
Nên có định hướng cho các dự án khởi nghiệp trên cơ sở định hướng cho những nhóm ngành với những sản phẩm, dịch vụ thị trường cần, hoặc các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho việc giải quyết những nhu cầu môi trường, các vấn đề xã hội mà thực tiễn cuộc sống đặt ra. Mặc dù vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là phát huy ý tưởng mới lạ nhưng mục đích các dự án là để triển khai được thành một sản phẩm có thể kinh doanh, mà kinh doanh thì phải đạt được mục tiêu lợi nhuận. Vì vậy, các dự án khởi nghiệp cần hướng tới mục tiêu thương mại hóa. Hạn chế trường hợp khi đầu tư vào các dự án chỉ chú trọng mục tiêu để dự thi, để lấy thành tích nhưng khó có khả năng áp dụng vào thực tiễn vì chi phí giá thành quá cao, không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, không giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra.
Các trường đại học cần phải thay đổi toàn diện về chính sách, hệ thống, đầu tư nguồn lực, trang bị cơ sở hạ tầng mới có đủ điều kiện tốt nhất để hỗ trợ sinh viên từ khơi nguồn cảm hứng khởi nghiệp đến khám phá bản thân và trải nghiệm thực tế đối với các dự án khởi nghiệp. Trong đó kết nối doanh nghiệp là hoạt động cần được chú trọng đẩy mạnh vì suy cho cùng trường học chỉ là khơi dậy đam mê, tinh thần khởi nghiệp; ươm mầm sáng tạo, hỗ trợ cho việc thực hiện ý tưởng còn việc đưa sản phẩm ra thị trường thì cần sự hỗ trợ rất lớn từ phía doanh nghiệp. Vì vậy đẩy mạnh sự liên kết của ba trụ cột: Nhà nước - Nhà trường và Doanh nghiệp là việc làm cần thiết.
Cũng theo Ths Trần Thanh Xuân, Nhà nước cũng nên có quy định rõ ràng về mức nhà trường được sử dụng đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp và mức hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động này trong nhà trường. Hiện nay chính sách về tài chính cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nhà trường theo đề án là do nhà trường tự chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của nhà trường, từ nguồn huy động xã hội hóa và những nguồn tự kêu gọi khác. Điều này khiến cho việc đầu tư của các trường sẽ theo hướng mạnh trường nào trường đó làm, không đồng đều và chỉ phát triển mạnh ở một số trường mà thôi. Như vậy, mơ ước đạt đến mục tiêu quốc gia khởi nghiệp sẽ rất lâu mới hi vọng đạt được.