Khởi nghiệp trong trường học: Ý tưởng nhiều, sản phẩm ít

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với lợi thế trẻ trung, năng động, sáng tạo… học sinh, sinh viên Việt Nam có nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, tiềm năng. Song, từ ý tưởng đến hiện thực là cả một chặng đường dài với nhiều rào cản. Do đó, rất cần bệ đỡ để chắp cánh cho ý tưởng thành hiện thực.

Nhiều rào cản
Thời gian qua, tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên phát triển mạnh không chỉ ở trường đại học mà còn cả ở các trường phổ thông. Đặc biệt, dưới tác động mạnh mẽ và thực chất của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì đây là thời kỳ vàng để các bạn sinh viên sáng tạo và khởi nghiệp. Sự đa dạng của thị trường, sự năng động của nền kinh tế, sự phát triển như vũ bão của nền công nghệ đã và đang là bệ đỡ tốt để phát huy trí tuệ, thể hiện sự năng động của tuổi trẻ. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, số học sinh, sinh viên khởi nghiệp thành công khi còn ngồi trên ghế nhà trường còn khá khiêm tốn, ý tưởng chủ yếu mới nằm trên giấy.
Bạn Trần Thảo Nguyên, sinh viên trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ: “Em đã từng tham gia một số cuộc thi khởi nghiệp. Tuy nhiên khi tham gia thì các dự án chỉ dừng ở mức ý tưởng. Nhưng sau cuộc thi nếu không đạt giải thưởng cao nhất sẽ không được đầu tư phát triển. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp chỉ vừa manh nha thì đã bị dập tắt”.
Theo bạn Thảo Nguyên, đa phần sinh viên đều có ý tưởng, có kế hoạch thực hiện, song vấn đề vốn là một bài toán khó khăn. Thiếu vốn, sản phẩm không được hoàn thiện cũng như không được quảng bá ra thị trường. Bên cạnh đó, khó khăn về máy móc, kỹ thuật sản xuất cũng ảnh hưởng khá nhiều đến ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ.
Thực tế cho thấy, việc nhiều ý tưởng của các bạn trẻ vừa được nhen nhóm đã vội vụt tắt xảy ra không ít. Bởi khi ý tưởng không khả thi, tính rủi ro cao sẽ không nhà đầu tư nào đồng ý rót vốn.
 Ảnh minh họa
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (SYS) Nguyễn Đức Tùng cho biết, một dự án khởi nghiệp thường có 3 giai đoạn chính. Đầu tiên là hình thành ý tưởng, tiếp đến là thiết lập, tổ chức vận hành và cuối cùng là đưa sản phẩm ra đời sống.
Giai đoạn đầu là dễ nhất và đa số các bạn trẻ đều làm được. Tuy nhiên, giai đoạn quyết định và khó khăn nhất lại nằm trong 2 giai đoạn sau. Sản phẩm có khả thi hay không, có tương lai phát triển không phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trong khí đó, hạn chế của các bạn sinh viên là thiếu nguồn vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, kỹ năng quản lý… Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi các bạn là những người trẻ, chưa cọ xát nhiều trong cuộc sống nên vốn kinh nghiệm chưa dồi dào.
Nhìn từ góc độ pháp lý khởi nghiệp cho sinh viên, luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài (Công ty TNHH Thuế và Luật Hà Nội) đánh giá, môi trường pháp lý cho những người trẻ khởi nghiệp hiện nay được đánh giá là chưa thực sự đạt hiệu quả. Việc Nhà nước vẫn chưa ban hành một hành lang pháp lý cụ thể quy định chi tiết về các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp như ưu đãi, hỗ trợ, gọi vốn… khiến các nhà đầu tư e ngại khi muốn góp vốn cho những người trẻ khởi nghiệp.
Xây “nền móng” vững chắc từ nhà trường
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài cho rằng, để khởi nghiệp thành công, ngoài những yếu tố nội hàm về con người như trí tuệ, kiên trì, dám dấn thân… và chuyên môn như kinh doanh, thị trường, lựa chọn mặt hàng, ngành nghề kinh doanh, cách đầu tư có lãi… thì không thể thiếu các yếu tố về pháp lý. Trong khi đó, ở các trường học, trường đại học vẫn chưa có một chương trình đào tạo cụ thể về kinh doanh khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Rất nhiều sinh viên khi ra trường vẫn rất mơ hồ về định hướng, về công việc tương lai, điều này vô hình chung tạo thành một hệ sinh thái khởi nghiệp yếu kém, thiếu tự tin so với các sinh viên trong khu vực. Có nhiều bạn sinh viên mặc dù rất quyết tâm nhưng sau đó phải buông tay do gặp phải một số khó khăn mà trước khi khởi nghiệp họ chưa hình dung hết được.
Chia sẻ về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị, Học sinh và Sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh cho biết, để giúp học sinh, sinh viên vững bước khởi nghiệp cần xây dựng nền tảng vững chắc cho các em khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Việc đưa dạy học khởi nghiệp sớm vào nhà trường nhằm trang bị cho người học kiến thức về đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, phương pháp học tập, có kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả, có khả năng ứng dụng các kỹ năng về đổi mới sáng tạo trong quá trình học tập, rèn luyện. Khởi nghiệp chính là công cụ để hiện thực vốn hóa nguồn tri thức, góp phần tạo giá trị cho cộng đồng, xã hội.
Theo đó, cần đưa khởi nghiệp thành một môn học tự chọn tại trường. Nếu chỉ dừng lại ở những buổi chia sẻ có tần suất 1 buổi/1 kỳ học thì điều này chưa đủ để thay đổi nhận thức của sinh viên và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Song song với việc đưa môn học khởi nghiệp vào giảng dạy cũng cần phải xây dựng một hệ thống giáo trình giảng dạy chuẩn mực, đồng bộ, có sự cập nhật thay đổi theo thị trường, xu hướng kinh doanh và gắn với quy định pháp luật thực tế.
Cùng chung quan điểm, Giám đốc Trung tâm SYS Nguyễn Đức Tùng cho rằng, cần thường xuyên mời những người có trình độ chuyên môn, giàu kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực linh doanh để chia sẻ cho sinh viên. Bài giảng nên được kết hợp và thực hiện bởi các giảng viên đến từ DN, qua đó tăng tính thực tế cho sinh viên. Kinh nghiệm khởi nghiệp của người đi trước là vốn quý của người đi sau, nó giúp cho người đi sau học được, rút được kinh nghiệm và bài học thực tế. Mặt khác, với mong muốn tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, có tri thức và nguồn khởi nghiệp chuyên nghiệp chất lượng cao, cần có sự đầu tư bài bản của Nhà nước, cần sự vào cuộc và kết hợp giữa các ban ngành, đoàn thể liên quan.
Hiện tại số lượng các cơ sở giáo dục đại học đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 15% cuối năm 2018 lên 30%, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. 70% cơ sở đào tạo đã tổ chức được hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 50% trường đại học, học viện, trường đại học đã có các cuộc thi về khởi nghiệp cấp trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần