Khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu trong tình hình mới

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Do đó, để phục hồi sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, kích cầu hàng hóa và xuất khẩu bền vững.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/9.
Xuất khẩu duy trì tăng trưởng trong khó khăn
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 9 cũng là tháng thứ hai liên tiếp hoạt động xuất khẩu có sự suy giảm so với cùng kỳ năm trước.
Quang cảnh họp báo. Ảnh: Ngọc Ánh
Mặc dù đã chịu ảnh hưởng mạnh trong 2 tháng gần đây, tuy nhiên, tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu vẫn ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: “Xuất khẩu hàng hoá đang có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 8 đến nay. Tuy nhiên tháng 9, mức suy giảm tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức thấp hơn. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu vẫn tăng cao. Đây là một trong những nguyên nhân đóng góp vào tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương và cộng đồng DN”.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải chia sẻ thêm, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá gắn chặt với sản xuất, gồm sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và khai thác khoáng sản. Năm 2021, vào quý II và quý III, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến các trung tâm sản xuất lớn như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… “Riêng khu vực 19 tỉnh phía Nam đã tương đương 45% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các tỉnh thành này chịu ảnh hưởng của dịch và giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng đến xuất khẩu”, ông Trần Thanh Hải cho hay.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Với diễn biến như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD.
Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu
Đưa ra giải pháp hỗ trợ tối đa DN khôi phục sản xuất, kinh doanh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng khi sản xuất, kinh doanh trên toàn thế giới đang hồi phục, nhu cầu nhiên liệu sẽ cần nhiều hơn. Các tổ chức uy tín trên thế giới cũng đánh giá xăng dầu thành phẩm sẽ tăng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu hợp lý nhất, phục vụ tốt nhất cho các ngành sản xuất, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Công Hùng
Đối với lĩnh vực xuất khẩu, xác định đây là lĩnh vực quan trọng có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, thời gian qua Bộ Công Thương đã tham mưu, kiến nghị Chính phủ triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa và xuất khẩu của DN.
“Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc và phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách ở khu vực phía Nam, xác định lưu thông hàng hóa giữa các vùng và lưu thông hàng hóa đến các cảng, cửa khẩu là vấn đề khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, Bộ đã thành lập Tổ công đặc biệt ở khu vực phía Nam để phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của các bộ, ngành liên quan nhằm kịp thời tiếp thu, phản ánh vướng mắc của các địa phương, DN trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa”, bà Lê Việt Nga khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện nay, ngành công thương đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN thúc đẩy xuất khẩu như: Hỗ trợ DN tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc triển khai phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; khuyến khích các hiệp hội, DN logistics có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa nông sản, thủy sản.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... để tạo thuận lợi cho hiệp hội và DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương vùng dịch, các hiệp hội, ngành hàng để tìm hiểu, có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Riêng đối với mặt hàng nông, thủy sản, hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững, đặc biệt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương kêu gọi thương nhân, DN Việt Nam chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch để bảo đảm tiêu thụ nông, thủy sản cho nông dân ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải