Phát huy nội lực
Thành phố Buôn Ma Thuột hiện có 21 đơn vị hành chính với 8 xã và 13 phường, dân số 380.755 người, gồm 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 13,8%. Thực hiện Kết luận số 60 ngày 27/11/2009 và Kết luận số 67 ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, những năm qua thành phố đã huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đô thị.
Nhiều dự án trọng điểm được Trung ương và tỉnh tập trung đầu tư xây dựng như: đường vành đai phía tây Buôn Ma Thuột, đường Ðông Tây, Khu liên hợp thể thao vùng Tây Nguyên, nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, hồ Ea Tam, đường tránh động, cao tốc Buôn Ma Thuột Khánh Hòa… Trong đó, một số dự án, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Không gian sống đô thị ngày càng được nâng cao; vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp, hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng được đầu tư đồng bộ, khang trang.
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Kết luận số 67 và Nghị quyết số 103 đã định hướng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm vùng Tây Nguyên, tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, cần kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng nguồn lực, động lực để phát triển.
Bên cạnh đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thành phố Buôn Ma Thuột đang triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao. Theo đó, thành phố đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, tiến hành lập quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ giống và triển khai một số mô hình. Đồng thời khuyến khích, vận động người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất liên kết chuỗi giá trị, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Trong năm 2023, tổng giá trị sản xuất nông, lâm ngư nghiệp của thành phố ước đạt 2.882 tỷ đồng.Tính đến nay, toàn thành phố có trên 30 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao.
Ông Nguyễn Văn Lượng, chủ tịch Hội nông dân Phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: việc triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao đã và đang mang lại cho người dân những trải nghiệp mới trong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.
Phát triển mạnh mẽ
Hiện nay, thành phố Buôn Ma Thuột đã xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, với hơn 12.000 doanh nghiệp và 700 hợp tác xã hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó 70% tập trung tại thành phố.
Tuy gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, dẫn đến 969 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động năm 2023, nhưng vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp, doanh nhân đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Buôn Ma Thuột, tạo nhiều việc làm, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà, giúp nâng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh Đắk Lắk lên 60.792 tỷ đồng năm 2023. Nhiều doanh nghiệp đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới, như Simexco, Trung Nguyên...
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đang tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tập trung huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.