Khói tan loãng, hòn than ủ đỏ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đoàn Bảo Châu đã viết đề từ cho cuốn tiểu thuyết “Khói” của mình: “Cuộc sống khi thăng hoa hạnh phúc, khi đau khổ ê chề. Tình yêu lúc nâng cánh, ru ta phiêu diêu chốn hoa mộng lộng lẫy, lúc bỏ ta trong cô đơn tuyệt vọng. Có thứ hiển hiện, sờ mó, định lượng được thực ra cũng phù du hư ảo. Vậy ý nghĩa cuộc đời nằm ở đâu? Con người có thể lấy được gì trong kiếp sống của mình? Khói là hành trình giải đáp những câu hỏi muôn thủa ấy”. Vậy nên, suốt hơn 550 trang tiểu thuyết “Khói” là hành trình đi tìm và giải đáp ý nghĩa hành trình sống của mọi kiếp người.

Kinhtedothi - Đoàn Bảo Châu đã viết đề từ cho cuốn tiểu thuyết “Khói” của mình: “Cuộc sống khi thăng hoa hạnh phúc, khi đau khổ ê chề. Tình yêu lúc nâng cánh, ru ta phiêu diêu chốn hoa mộng lộng lẫy, lúc bỏ ta trong cô đơn tuyệt vọng. Có thứ hiển hiện, sờ mó, định lượng được thực ra cũng phù du hư ảo. Vậy ý nghĩa cuộc đời nằm ở đâu? Con người có thể lấy được gì trong kiếp sống của mình? Khói là hành trình giải đáp những câu hỏi muôn thủa ấy”. Vậy nên, suốt hơn 550 trang tiểu thuyết “Khói” là hành trình đi tìm và giải đáp ý nghĩa hành trình sống của mọi kiếp người.
Khói tan loãng, hòn than ủ đỏ - Ảnh 1
Đoàn Bảo Châu đã xây lên một hành trình lớn, chở hàng nghìn con người đi tận cùng số phận. Trên con tàu ấy, Dũng Khói, nhân vật chính của tác phẩm là người lái tàu vĩ đại vắt qua hai thế kỷ thời gian mấy chục năm ròng, đi qua nhiều miền đất từ Hà Nội đến Cao Bằng, Bắc Cạn, Hòa bình, Thái Nguyên, Nha Trang… với nhiều cảnh đời dan díu. Con tàu đi mãi trong lòng người đọc, mở ra một bức tranh hiện thực rộng lớn, đa chiều, phong phú, phồn tạp, song đẹp đẽ lãng mạn. Cuộc sống ở nhiều miền đất hoang sơ rợn ngập nỗi buồn nhưng bên trong vẫn có những vẻ đẹp huyền bí. Hàng nghìn con người trong những mối quan hệ phức tạp đến khốc liệt song vẫn đầy tình người, thấm đẫm chất nhân văn của tình mẫu tử, phụ tử, tình bằng hữu, tình yêu đích thực. “Khói” thực sự là bức tranh sơn mài nhiều màu sắc, vững vàng, chắc mạch.   

Tình yêu của Dũng Khói và Hạnh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm làm nên một tình yêu đẹp đẽ, lý tưởng của lớp thanh niên thời đại. Với thân phận đứa con “ghẻ”, sinh ra trong một ngẫu hứng bạo liệt của sự chiếm đoạt, Dũng Khói từ bé đã phải chống chọi với số phận để khẳng định mình. Để có được tình yêu với Hạnh, Dũng đã dám thách đấu võ với Quang. Có được tình yêu, Dũng lại tu chỉnh, sống đàng hoàng hơn để vượt lên những mặc cảm về thân phận sao cho xứng đáng với Hạnh. Khi tình yêu bị cản phá, với bản tính can trường đầy nghĩa khí, Dũng đã nỗ lực sống, làm tất cả để giành lại tình yêu. Những lúc bất trắc, bi thảm nhất của cuộc đời, tiếng gọi tình yêu trở về, như những tia sáng cuối cùng, là chất nhựa giữ bản thể hắn không bị khô cằn chết mục. Tình yêu đã nâng đỡ trái tim kiêu hãnh đứng lên làm lại từ đầu. Nguồn cảm hứng khao khát sống và yêu còn được Đoàn Bảo Châu truyền cho tất cả nhân vật của mình. Ngay cả cuộc sống kinh hoàng khủng khiếp như đi vào cuối đường hầm trong tù ngục, vậy mà mỗi người vẫn le lói một ánh sáng tình yêu của người thân, khao khát trở về, làm lại cuộc đời.  

Phản ánh chân thực với hiện thực đời sống, gây dựng một hiện thực mới trong tác phẩm để người đọc có thể trải nghiệm sống với hiện thực ấy, đó là đích văn chương mà Khói đã thành công. Từ cảm hứng sống để yêu, yêu để sống, Đoàn Bảo Châu khiến mỗi người đều cảm nhận được cuộc sống lấp lánh tình yêu thương, tấm lòng nhân hậu sẻ chia trong tác phẩm. Và đặc biệt, họ cảm thấy mình đã và đang được sống trong hiện thực ấy, có một phần mình trong đó. Mỗi trang viết, người đọc đều cảm thấy gần gũi ấm áp, muốn đi tận cùng số phận của nhân vật. Lạc vào tiểu thuyết “Khói”, người đọc như được say sưa xem những thước phim đời sống quay rất nhanh, chuyển cảnh liên tục bởi đầy ắp dư lượng những chi tiết sống động. Mỗi chi tiết là một lát cắt cuộc sống mà Đoàn Bảo Châu như một người kể chuyện trung thành.

Với độc giả, dù một đề tài mới hay cũ, truyền thống hay hiện đại, cách tân hay không cách tân, dài hay ngắn… đều không quan trọng bằng việc cảm được tác phẩm. Đó chính là sức nặng của tác phẩm mà không phải nhà văn nào cũng làm được. Với tiểu thuyết “Khói”, Đoàn Bảo châu đã thành công.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần