Khơi thông các nguồn vốn: Liều thuốc trị “tín dụng đen”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Liên tục trong vòng một tháng qua, nhiều vụ vỡ nợ "tín dụng đen" quy mô lớn liên tiếp xảy ra trên cả nước, đặc biệt tại địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Tài, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng, sự đổ vỡ này có khi là một điều tốt vì đó là hồi chuông cảnh báo với người dân cũng như nền kinh tế nói chung. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Tài về vấn đề này.

Hệ thống ngân hàng còn quá nhiều vấn đề         

- Ông nhận định gì về các vụ vỡ nợ "tín dụng đen" mà dư luận đang xôn xao hiện nay?

Sự đổ vỡ hàng loạt các quỹ "tín dụng đen" này theo tôi có 3 vấn đề: Thứ nhất là sự nhận thức kém của một bộ phận dân cư đang bị lãi suất cao làm mờ mắt. Việc các "đại gia hờ" huy động nặng lãi với 4.000 - 5.000 đồng/ngày/triệu, không một hình thức kinh doanh nào có thể sinh lời nổi để trả lãi số tiền mà người dân đã cho các chủ nợ này vay. Thứ hai, điều này cũng phản ánh một vấn đề quan trọng là hệ thống ngân hàng chưa nắm được hết các khu vực, đặc biệt là nông thôn. Chúng ta đã thực hiện chủ trương thành lập các Quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô, các ngân hàng TMCP nông thôn để bao quát khu vực này. Đây là một chủ trương lớn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều bất cập. Có một thời gian, chúng ta cho các ngân hàng TMCP nông thôn chuyển thành đô thị quá nhanh, các quỹ tín dụng nông thôn chuyển thành ngân hàng TMCP; còn các tổ chức tài chính vi mô lại chưa thực sự phát triển. Với một nước thị trường tài chính chưa phát triển như ở Việt Nam, phải chấp nhận một nền tài chính với quy mô đa dạng và các hình thức sở hữu đan xen nhưng có vẻ như chúng ta chú ý quá nhiều đến những cái lớn mà quên mất phát triển và duy trì cái nhỏ. Bởi thế, một khoảng trống nhu cầu vốn ở nông thôn đã không đáp ứng được. Đây là kẻ hở lớn để tín dụng đen hoành hành.

Thứ ba, sự đổ vỡ này cũng chứng tỏ hoạch định chính sách của chúng ta thiếu tính vĩ mô. Như tôi nói ở trên, rõ ràng hệ thống ngân hàng của ta chưa quản hết được. Điều hành cào bằng khiến cho những khu vực nhỏ nhưng cần lại  bị "hổng". Hơn nữa, sự phối kết hợp của các cơ quan quản lý còn kém.

- Con số đổ vỡ từ các quỹ "tín dụng đen" này không nằm chỉ một vài tỉ mà hàng trăm, thậm chí là cả nghìn tỉ đồng. Những con số khủng khiếp này nói lên điều gì, thưa ông?

Thực tế, vỡ “tín dụng đen” diễn ra nhiều ở khu vực nông thôn. Điều này cho thấy một nhu cầu vốn (cả huy động và cho vay) lớn ở khu vực này. Tuy nhiên, người dân, DN không tiếp cận được vốn ngân hàng và các kênh chính thống khác đành chấp nhận vay nặng lãi. Một thực tế nữa là những nhu cầu vốn cho các mục đích có thể gọi chung là "đánh bạc". Đã đầu cơ, đánh bạc sẽ "khát nước", phải đi vay, thua lỗ lại vay tiếp. Với nhu cầu thứ hai này, anh vỡ, anh phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải bị xử lý là đương nhiên. Cái lo lắng nhất là nhu cầu kinh doanh. Đọc trên báo, tôi thấy có những DN phải trả lãi đến gần 1 tỷ đồng/ngày- khủng khiếp quá. Chúng ta phải có cơ chế để khai thông nhu cầu này.

Chưa có sự phối hợp giữa các ngành

- Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý, giám sát các hình thức vay mượn như tín dụng nặng lãi… hiện vẫn còn bỏ ngỏ, "cha chung không ai khóc". Đó có phải là nguyên nhân lớn cho sự đổ vỡ hàng loạt này không, thưa ông?

Hàng loạt vụ vỡ nợ mà với cả nghìn tỉ đồng- nghe ra những người yếu bóng vía có thể ngất. Không chỉ một gia đình, một cá nhân đi vay và cho vay nặng lãi mà cả một hệ thống chân rết rải khắp nơi, thế nhưng chính quyền không hề biết. Khi bung ra "cả làng" mới ngớ người. Điều này cho thấy, công tác quản lý rõ ràng bị buông lỏng. Sự phối kết hợp giữa các đơn vị quản lý còn rất kém. Mỗi người biết nhiệm vụ của mình, mạnh ai nấy làm. Rõ ràng là tắc trách, ý thức trách nhiệm chung quá kém.

- Sự đổ vỡ "tín dụng đen" liệu có ảnh hưởng dây chuyền đến cả hệ thống tài chính - ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung không, thưa ông?

Ảnh hưởng của sự đổ vỡ này về mặt xã hội đã rõ ràng rồi. Đó là cảnh tiền mất, tật mang; là sự hoang mang trong tâm lý dân cư, là sự phá sản của nhiều DN và những hệ lụy sau đó nữa.

Tuy nhiên, nếu nói về phản ứng dây chuyền theo tôi là rất ít. Vì ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân họ có một cơ chế thẩm định rất tốt nên khó liên đới vì sự đổ vỡ của loại tín dụng nặng lãi này. Vấn đề quan trọng là chúng ta cần phải khoanh được vòng đổ vỡ này. Nếu có một vài quỹ tín dụng có thể liên đới đến những vụ đổ vỡ này, chúng ta cũng phải tìm cách ngăn chặn để nó không lan ra cả hệ thống. Đó là việc cần làm.

Khát vốn - bản chất của “tín dụng đen”

- Bài học nào rút ra sau "cơn lốc" vỡ "tín dụng đen" này, thưa ông?

Theo tôi, sự đổ vỡ này ngoài các mặt tiêu cực thì cũng là một điều tốt. Đây là một hồi chuông, một tín hiệu tiếp tục cảnh tỉnh cho những người trực tiếp và gián tiếp liên quan. Về mặt xã hội, nó sẽ khiến hình thức tín dụng ngoài pháp luật này bớt đất tung hoành. Về mặt kinh tế, nó cũng giúp Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng điều hành tốt hơn, vươn cánh tay mình ra nông thôn nhiều hơn để đáp ứng được nhu cầu vốn ở khu vực này. Còn với các ngân hàng cũng như người dân phải để ý đến vấn đề an toàn đầu tiên.

- Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để "trị" tận gốc căn bệnh này?

Bản chất của "tín dụng đen" là sự khát vốn. Có một bộ phận khá lớn nhu cầu đã không được xử lý một cách hài hòa. Bởi vậy, để giải quyết tận gốc "căn bệnh" khát vốn này chỉ có cách là khơi thông dòng vốn.

Khơi thông bằng cách, cơ quan điều hành cần phải tính toán xem, chỗ nào tắc. Ở đây sự tắc chủ yếu do hệ thống tài chính khu vực nông thôn còn quá mỏng, chưa đáp ứng hết nhu cầu. Bởi vậy, cần mở rộng các chi nhánh ngân hàng tại nông thôn, phát triển hơn nữa hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cũng như các tổ chức tài chính vi mô. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền để người dân hiểu và tiếp cận các kênh dẫn vốn chính thống cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý cũng rất cần, tránh mạnh ai nấy làm, cha chung không ai khóc.

- Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần