Vẫn còn đểm nghẽnCovid-19 đã và đang gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề cho các DN vận tải nói chung và vận tải hàng hóa nói riêng. Ông Trần Đức Nghĩa - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, các DN vận tải đường bộ đang ở trong tình trạng kiệt quệ sau hơn một năm chống chọi với dịch bệnh.
Đồng tình với việc siết chặt các biện pháp phòng dịch trong hoạt động vận tải tuy nhiên ông Trần Đức Nghĩa cho rằng, vẫn có những bất cập nảy sinh tại một số địa phương khiến cho các DN vận tải gặp khó. Điển hình như việc áp dụng quy định ở mỗi nơi lại khác nhau. Đơn cử tại Quảng Ninh, khi vào khu vực cửa khẩu phải test Covid-19, trong khi bắt đầu vào tỉnh lái xe đã phải xuất trình giấy test PCR. Những bất cập như nêu trên đã gây ra sự lúng túng và thiệt hại cho DN vận tải.
Dòng phương tiện chờ khai báo y tế tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 giữa huyện Mê Linh, Hà Nội với tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Phạm Hùng |
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đưa ra số liệu, so với trước dịch, sản lượng vận tải hành khách, doanh thu vận tải hàng hóa giảm sút 20 - 30%, vận tải hợp đồng du lịch gần như đóng băng, số xe phải nằm bãi có thời điểm lên tới hơn 50%.
Đối với vận tải hàng hóa, ông Quyền chia sẻ, lưu thông trên đường gặp rất nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra kiểm soát với lái xe và phương tiện, chi phí bị đội lên. "Điều kiện làm việc của lái xe cũng rất khó khăn do phải thực hiện quy định về xét nghiệm và cách ly khi đi/đến từ địa phương vùng dịch” - ông Quyền nhận định.Khẳng định quan điểm thực hiện quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 nhưng không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền cho biết, đến nay, Bộ GTVT cũng như Tổng cục đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo giao thông thông suốt.
Tuy nhiên, bà Hiền cũng thừa nhận, thực tế cho thấy có những địa phương còn quy định khác nhau về giấy xét nghiệm và thời hạn xét nghiệm đối với lái xe. “Chúng tôi đã trao đổi và thống nhất giải pháp để vận tải hàng hóa lưu thông thuận lợi nhất trong mùa dịch” - bà Hiền cho biết.Cần thêm luồng xanh cho tài xếBà Phan Thị Thu Hiền cho biết, giải pháp "luồng xanh" đã giúp các phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông nhanh chóng khi không cần phải dừng lại kiểm tra tại chốt kiểm dịch. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần, phần quan trọng không kém để giúp thực hiện mục tiêu vừa đảm bảo chống dịch, vừa lưu thông hàng hóa đòi hỏi tài xế, DN cũng phải tự giác và chấp hành nghiêm các quy định an toàn phòng dịch. Trong khi đó, nhiều DN vận tải đề xuất cho DN tự mua bộ xét nghiệm Covid-19 để thực hiện cho lái xe của mình, giảm áp lực cho ngành y tế.Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Đào Việt Long khẳng định quan điểm: “Nhiệm vụ chống dịch phải đặt lên hàng đầu” nhưng để tháo gỡ khó khăn cho DN, Sở GTVT sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận thông tin qua 3 số đường dây nóng. Ông Đào Việt Long cũng cho biết, hệ thống mạng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam có thời điểm bị nghẽn và Sở GTVT Hà Nội cũng nhận được phản ánh có DN vào đăng ký "luồng xanh" vận tải không được hoặc đăng ký được nhưng thông tin nhập chưa đầy đủ, nhập sai. “Những DN đăng ký đã lâu mà chưa được giải quyết, có thể gọi điện thoại về 3 đường dây nóng mà Sở GTVT đã công bố, nhắn tin tên DN, biển kiểm soát phương tiện để chúng tôi chủ động tra cứu, xử lý” - ông Đào Việt Long thông tin.Về việc tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đã tổng hợp ý kiến và chuyển lên Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP đề xuất ưu tiên tiêm cho đội ngũ lái xe. Sở cũng đã đề xuất tiêm cho đội ngũ lái xe buýt, taxi sân bay và tài xế vận tải đường dài.