Thị trường hàng hóa phục hồi tích cực
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2022, dịch bệnh Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa tăng trở lại. Nguồn cung hàng hóa trong nước cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn.
Riêng mặt hàng xăng dầu, để bình ổn thị trường, hạn chế tác động khi giá xăng dầu biến động tăng giảm với biên độ lớn, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm nguồn cung cũng như phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước so với mức tăng của giá thế giới.
Bộ Công Thương đánh giá, nhìn chung, giá nhiều loại hàng hoá trong nước có xu hướng tăng từ cuối quý I/2022 và trong quý II do ảnh hưởng của giá nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tăng làm tăng chi phí đầu vào. Từ đầu quý III, theo xu hướng của giá thế giới, giá nhiều loại hàng hóa đã dần ổn định trở lại.
Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6%. Đây là mức tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây.
Như vậy, sau hai năm liên tục giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước năm nay đã bật tăng mạnh trở lại. Điều đó cho thấy các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch của Nhà nước đã phát huy hiệu quả, sức mua của người dần dần khôi phục như trước thời kỳ đại dịch.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời điểm này, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Đồng thời, phối hợp với các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng Việt
Thông tin về giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho hay, dự thảo đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu thị trường trong nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững thị trường trong nước; kết nối liền mạch với thị trường xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo không gian thị trường cho các ngành sản xuất trong nước và nâng cao nội lực của nền kinh tế.
Trên cơ sở mở rộng tiêu dùng nội địa gắn với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam, khai thác lợi thế về quy mô dân số với sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và tiêu dùng trẻ, năng động.
Theo đó, ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế tiêu dùng mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử... Phấn đấu giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9,0 - 9,5%/năm.
Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại. Thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi; khuyến khích DN, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
Ông Trần Duy Đông cho biết, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Bộ NN&PTNT kết nối hiệu quả giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo ổn định cung cầu, giá cả hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ. Song song với đó, thực hiện nhất quán quản lý chất lượng hàng hoá lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế; triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Ngoài ra, hai Bộ cũng phối hợp với các tỉnh, TP hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng trong nước, trong đó ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Vũ Vinh Phú cho rằng, để thị trường trong nước phát triển bền vững cần đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng trong phối hợp tiêu thụ sản phẩm để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu ra và thị trường tiêu thụ đầu ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế.
Về phía các bộ, địa phương, hiệp hội cũng cần liên kết chặt chẽ hơn nữa để xây dựng những tuần lễ kết nối, tiêu thụ sản phẩm theo ngành hoặc đa ngành, kết hợp online và tập trung. Chẳng hạn như, tổ chức các hội chợ bán hàng online theo từng sản phẩm, theo tuần; liên kết một số sàn thương mại điện tử để cùng thực hiện, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hàng hóa phân phối qua hệ thống bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 38 - 42%; tỷ lệ hàng hóa phân phối qua các kênh thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5-11%; tỷ trọng bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 15%.