Ô nhiễm dọc dự án
Tại khu vực phía Tây, TP Hà Nội đã đầu tư dự án có tổng mức hơn 4.700 tỷ đồng gồm 2 hạng mục lớn là công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và cứng hóa kênh La Khê dẫn nước về bể hút, chủ đầu tư dự án là Sở NN&PTNT Hà Nội. Đây là dự án trọng điểm của Thủ đô có nhiệm vụ tiêu thoát nước, phòng, chống úng ngập cho khoảng 6.300ha sản xuất nông nghiệp, dân sinh thuộc các quận, huyện như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoài Đức... được đặt mục tiêu ban đầu là hoàn thiện vào năm 2022.
Tuy nhiên cho đến nay, mới chỉ có Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa được đưa vào hoạt động, còn dự án cứng hóa kênh La Khê vẫn vướng mắc ở công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Chính vì những bất cập này, quá trình thi công của các nhà thầu bị vướng vào nhiều cột điện, trạm biến áp, đường dây cáp ngầm của đường điện, thông tin liên lạc, đường nước sạch… rất khó khăn trong công tác triển khai thi công.
Trong khi đó, người dân sống hai bên bờ kênh phải chịu cảnh ô nhiễm khi vào mùa Đông, mùi hôi thối dưới lòng kênh bốc lên nồng nặc, còn mùa Hè thì ruồi muỗi bu bám khiến đời sống sinh hoạt bị ảnh hưởng nặng nề.
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị cho thấy, suốt dọc tuyến đường qua các phường Quang Trung, La Kê, Yết Kiêu... diễn ra tình trạng rác thải vứt tràn lan. Trong lòng kênh, nước tắc dòng vì bị chặn bởi đất đá, túi ni lông...
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Văn Tốn, người dân Tổ 5, phường La Khê, quận Hà Đông cho biết, trong khoảng 2 năm vừa qua, tình cảnh ô nhiễm khiến người dân địa phương rất bức xúc, mệt mỏi đồng thời nảy sinh nhiều lo ngại về hệ lụy cho sức khỏe.
“Có những ngày chúng tôi buộc phải đóng kín cửa nhưng cũng không ngăn nổi mùi hôi tanh ám vào đồ đạc, quần áo. Rồi ruồi, muỗi bu kín làm cho cuộc sống người dân ở đây rất khổ sở. Không chỉ cá nhân tôi mà đông đảo người dân sống trên địa bàn đều mong rằng công trình sớm được đơn vị có trách nhiệm hoàn thiện, trả lại môi trường sống sạch cho người dân” - ông Phan Văn Tốn nói.
Điều đáng nói, dự án kênh La Khê được lập để phục vụ người dân nhưng mục tiêu chính không những chưa đạt được mà còn gây ô nhiễm khiến người dân rất bức xúc.
Trong thời gian chờ đợi vướng mắc của dự án được tháo gỡ, công tác bảo vệ môi trường cũng cần phải được chính quyền cơ sở quan tâm, nghiêm túc thực hiện để đảm bảo đời sống cho người dân. Tuy nhiên, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND phường La Khê Nguyễn Hữu Hiển khẳng định không có tình trạng vứt rác thải dọc dự án?!
Hoàn thiện sau 6 tháng có mặt bằng
Trở lại với quá trình thực hiện dự án, tình trạng ngập, úng diễn ra ngày càng phức tạp ở nhiều khu vực nội đô khiến việc đưa những công trình có tác dụng thoát nước cho TP trở nên cấp bách. Do đó, việc để dự án kênh dẫn La Khê không được khơi thông tiến độ, khiến trạm bơm tiêu Yên Nghĩa chỉ hoạt động được khoảng 30% công suất vì thiếu cung ứng cần phải sớm được dứt điểm. Trong đó, nút thắt của dự án là công tác GPMB tại quận Hà Đông.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã nêu ra những bất cập. Cụ thể, dự án đang tập trung vào 5,7km kênh La Khê để dẫn nước vào trạm bơm nhưng khâu này đang vướng mắc GPMB ở quận Hà Đông. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định nguyên nhân khiến dự án chậm, trách nhiệm thuộc về Sở NN&PTNT, và trọng tâm là quận Hà Đông.
Việc chậm là quản lý đất đai lỏng lẻo nên gặp khó khăn trong xác định nguồn gốc đất. TP đã chỉ đạo cụ thể với từng việc một, đến nay công việc đã có chuyển biến, UBND TP cũng đề nghị chậm nhất trong năm 2022 phải hoàn thành xong GPMB theo đúng kế hoạch.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, quận đã có kế hoạch xác định đến quý III/2022 GPMB tối thiểu xong 85% diện tích để giao Sở NN&PTNT. Hết năm 2022, nếu các hộ không đồng tình quận sẽ có kế hoạch thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, dự án công trình kênh dẫn nước La Khê cho trạm Yên Nghĩa đến nay đã chậm tiến độ 6 tháng so với phê duyệt của TP. Nguyên nhân do vướng mắc trong công tác GPMB tại quận Hà Đông. Việc dự án không được đưa vào hoạt động đúng tiến độ cũng ảnh hưởng đến công tác tiêu thoát nước của hệ thống.
“Hiện nay các nhà thầu vẫn đang đẩy nhanh công tác triển khai, có mặt bằng tới đâu là thực hiện tới đó để không xảy ra tình trạng đình trệ thi công, mặt khác cũng nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, đời sống cho người dân. Bản thân các nhà thầu cũng đang rất sốt ruột và mong muốn sớm có mặt bằng để hoàn thiện dự án” - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết.
Về giải pháp, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với quận Hà Đông trong công tác GPMB theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP, các sở, ngành cũng đã làm việc với quận Hà Đông, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án. Đồng thời, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định, sau 6 tháng nhận bàn giao mặt bằng, Chủ đầu tư sẽ hoàn thiện dự án.
"Cấp, thoát nước là một trong những vấn đề đảm bảo an sinh và an ninh cho TP nên nhiều chủ trương đầu tư hạ tầng thoát nước tại Hà Nội được thông qua. Tuy nhiên, công tác giám sát, chỉ đạo tại một số sở ngành, quận, huyện cần phải được thực hiện sâu sát hơn." - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, PGS.TS PGS.TS Bùi Thị An