Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khởi tố 22 đối tượng trong vụ 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công an vừa khởi tố thêm 22 bị can trong đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả cùng về tội danh "Sản xuất, buôn bán hàng giả", theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự.

Chiều tối ngày 7/4, thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Môi giới hối lộ và Nhận hối lộ”, xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát, Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 41/QĐ-CSKT-P10 ngày 23/6/2021 và Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 15/QĐ-CSKT-P10 ngày 23/7/2021.

Cơ quan chức năng thu giữ hàng triệu cuốn sách sách giáo khoa giả.
Cơ quan chức năng thu giữ hàng triệu cuốn sách sách giáo khoa giả.

Quá trình điều tra, xác minh vụ án, Cơ sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu là Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát và 11 đối tượng liên quan, về các tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Môi giới hối lộ” và “Nhận hối lộ”.

Kết quả điều tra mở rộng vụ án, căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 06/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can đối với 22 đối tượng, cùng về tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó:

Bắt tạm giam đối với:

(1) Văn Thị Hiền, chủ Nhà sách Hiền Long;

(2) Đỗ Văn Được, chủ Shop Bống & Bin;

(3) Phan Thị Thanh Thoan, Giáo viên, đều thuộc nhóm đối tượng tiêu thụ sách.

Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với:

(4) Đỗ Đức Tiến, chủ Công ty TNHH In và Thương mại Dịch vụ Long Phát;

(5) Lục Văn Quán, Giám đốc Công ty TNHH In và Thương mại Hoài Đức;

(6) Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Thuận Phát;

(7) Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thái Việt, đều thuộc nhóm đối tượng in sách;

(8) Nguyễn Mạnh Thắng; (9) Nguyễn Minh Đức, Công ty TNHH Tạp phẩm và vật tư ngành in, đều thuộc nhóm đối tượng làm bản kẽm;

(10) Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và In Lâm Anh, là đối tượng làm tem giả;

(11) Đinh Văn Thăng; (12) Lê Đình Quý; (13) Lưu Hồ Thịnh; (14) Nguyễn Quốc Toản; (15) Nguyễn Thị Thanh; (16) Trần Thị Lan; (17) Trần Văn Hoan, đều thuộc nhóm đối tượng gia công;

(18) Hoàng Kim Oanh, chủ Nhà sách Oanh; (19) Phan Thị Ngọc Hoàn, chủ Nhà sách Oanh Hoàn, đều thuộc nhóm đối tượng tiêu thụ sách;

(20) Nguyễn Thị Liên; (21) Hoàng Thị Thúy Hằng và (22) Trần Thị Thu Trang, đều thuộc nhóm đối tượng nhân viên Công ty Phú Hưng Phát.

Các đối tượng nêu trên đã có hành vi giúp sức cho đối tượng chủ mưu, cầm đầu là Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát, chủ Nhà sách Minh Thuận trong việc sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc mua sách giả với số lượng đặc biệt lớn để bán thu lời.

Sau khi Viện kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện các Lệnh, Quyết định tố tụng đối với 22 bị can theo đúng quy định.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung củng cố tài liệu, chứng cứ để làm rõ toàn bộ nội dung vụ án, hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, hành vi của các đối tượng liên quan để kết luận điều tra đề nghị truy tố các bị can theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ án trên, ông Trần Hùng - nguyên tổ trưởng tổ 304, nay là tổ trưởng tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại điều 356 Bộ luật hình sự.

Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (C03) phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Nhà xuất bản Giáo Dục bắt quả tang các bị can tham gia in ấn, gia công, tiêu thụ sách giả tại xưởng in sách số 297 đường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và các xưởng gia công sách giả khác trên địa bàn Hà Nội.

Lực lượng chức năng cũng khám xét khẩn cấp hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ các loại sách giáo khoa giả ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tạm giữ hơn 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả các loại, 3 hệ thống dây chuyền máy in offset, nhiều máy gia công sách giả, hơn 1,5 triệu tem giả của Nhà xuất bản Giáo Dục và nhà xuất bản khác, 5 ôtô tải và nhiều máy móc, công cụ dùng để bốc xếp, vận chuyển sách, khoảng 20 tỉ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp…