Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không ai muốn mình nghèo và không ai không muốn thoát nghèo

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 30/10, sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội về những tồn tại, hạn chế và giải pháp để thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững..., các tư lệnh ngành đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung.

Cho phép chuyển vốn giải ngân năm 2022 tới 31/12/2024 bằng cơ chế đặc thù

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang bày tỏ đồng tình với báo cáo của Đoàn giám sát và đánh giá cao những ý kiến trách nhiệm, giàu tinh thần xây dựng của các đại biểu Quốc hội nhằm góp phần giúp các chương trình này “về đích” đúng hạn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân cả nước.

Về tình hình chung, so với khi báo cáo ở Kỳ họp thứ 5, việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong cơ chế chính sách ứng xử với nguồn vốn đầu tư phát triển. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, hiện đã có thông báo dự kiến vốn sự nghiệp của giai đoạn để các địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)

Về vấn đề phân cấp, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, tất cả các sửa đổi văn bản có liên quan đều tuân thủ nguyên tắc này, đem lại kết quả thiết thực. Giải pháp này đã giúp các địa phương có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong lồng ghép các chương trình ở cùng một cấp thẩm quyền. Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm trộn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn. Nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Đây là giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn trong vấn đề này.

Về việc chuyển vốn, Theo Phú Thủ tướng Trần Lưu Quang, khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã dựa trên nguyên tắc cố gắng phấn đấu để vốn năm 2022 giải ngân hết trong năm nay. Tuy nhiên, chúng ta có thể giải quyết cơ chế đặc thù như nhiều đại biểu đề cập. Hiện chúng ta còn 3 tháng để giải ngân vốn của năm 2022, Phó Thủ tướng mong muốn Quốc hội coi đây là trường hợp đặc biệt để cho phép chuyển nguồn năm 2022 đến 31/12/2024 để tránh bị cắt vốn sự nghiệp, trong khi nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, mục tiêu đặt ra rất lớn lao.

Quang cảnh phiên làm việc chiều 30/10 của Quốc hội
Quang cảnh phiên làm việc chiều 30/10 của Quốc hội

Phân cấp nguồn vốn cho cấp huyện là giải pháp khả thi

Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, về đề xuất về xem xét lại cơ chế ủy quyền, phân cấp, nhất là về nguồn vốn cho cấp huyện, đây  là một giải pháp khả thi. Trong bối cảnh này, bên cạnh mục tiêu giải ngân cũng phải đảm bảo được tất cả những chỉ tiêu, mục tiêu đưa ra để có được nông thôn mới phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng BNN&PTNT, có những chỉ tiêu cần phải xem xét lại trong thời gian tới. Thực tế khi xã sau khi hoàn thành tiêu chí nông thôn mới thì các nguồn lực hỗ trợ không còn. Điều này cho thấy thiết kế 3 Chương trình mục tiêu còn có những lỏng lẻo. Cùng với đó, thêm áp lực kép là một phần mong muốn tất cả các xã lên nông thôn mới để hoàn thành đúng chỉ tiêu của Đại hội, nhưng khi nông thôn mới thì nguồn lực hỗ trợ sẽ bị giới hạn. Do đó, những vấn đề trong thiết kế chính sách trong thời gian tới sẽ xem xét để tạo được năng lực cụ thể cho địa phương, bởi nguồn lực nhà nước không thể hỗ trợ được hết mà cần phát huy được năng lực của cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu

Đưa ra tiêu chí để những hộ nghèo có cuộc sống tốt hơn

Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở nhiệm kỳ này công việc đòi hỏi phải cao hơn, khó hơn vì không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, cao hơn và toàn diện hơn. Thời gian vừa qua, bên cạnh những quyết tâm, việc triển khai Chương trình gặp không ít khó khăn, thách thức, trong đó nguyên nhân khách quan tác động từ dịch bệnh Covid-19, tình hình thiên tai, lũ bão, sạt lở ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai chương trình. Tuy nhiên, với sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị đặc biệt là các địa phương, sự vươn lên của các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, không ai sinh ra và lớn lên lại muốn mình nghèo và không ai không muốn thoát nghèo. Hiện nay, không còn chính sách cho không mà đã chuyển hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện. Thời gian qua có hàng trăm hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền lợi hỗ trợ cho người khác. Họ mong muốn chủ động phấn đấu thoát nghèo, đây là điều cần được biểu dương.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu đề cập
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu đề cập

Đối với các hộ nghèo không có khả năng lao động, không có khả năng thoát nghèo, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đưa ra các tiêu chí để những người này có cuộc sống tốt hơn hoặc không thấp hơn hộ nghèo.

Đô thị hoá nhanh làm cho "hồn quê" của người Việt dần biến mất

Rút kinh nghiệm về việc ban hành các văn bản còn chậm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguyên nhân do khối lượng văn bản rất lớn, nhiều vấn đề phức tạp, có những vấn đề mới liên quan đến nhiều lĩnh vực; các chương trình cũng không được xem xét và phê duyệt tại một thời điểm, vì vậy về tổng thể chung rất khó tránh khỏi sự chồng chéo, bất cập. Bộ trưởng nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận

Đề cập tới vấn đề văn hoá khi thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, mặc dù không phải là cơ quan chủ trì 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, tuy nhiên nhiều đại biểu đã đề cập tới vấn đề văn hóa khi triển khai thực hiện 3 chương trình này. Việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia nếu tiếp cận ở góc độ văn hóa thì tốc độ đô thị hóa nhanh ở nông thôn làm cho con người cảm thấy những “hồn quê” của người Việt đã dần biến mất, thay vào đó là những tấm bê-tông… Theo phân cấp, chính quyền địa phương là cơ quan quyết định về vấn đề quy hoạch, xây dựng và chịu trách nhiệm trước các vấn đề đó. Chúng ta đã và đang xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa, tuy nhiên hiện cấp tỉnh mới đạt 80% có thiết chế văn hóa, cấp huyện mới đạt 70%... Do đó trong thời gian tới cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện thiết chế văn hóa ở các cấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu.