70 năm giải phóng Thủ đô

Không cần thiết phải test dị ứng trước khi tiêm vaccine

TS.BS Trần Nam Trung – chuyên ngành Dịch tễ học, Bang Maryland (Hoa Kỳ)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu hỏi có nên làm test dị ứng trước khi tiêm vaccine Covid-19 là điều mà rất nhiều người dân quan tâm. Cũng dễ hiểu vì khá nhiều người có tiền sử dị ứng với một vài thứ gì đó.

Theo y văn, có khoảng 6-10% trẻ em và khoảng 5% người trưởng thành dị ứng với một loại thực phẩm nào đó (sản phẩm từ sữa, trứng, hải sản, đậu tương…). Nếu cộng thêm dị ứng với thuốc (kháng sinh…), latex, nọc côn trùng, thời tiết (phấn hoa)…thì tỉ lệ người có cơ địa dị ứng còn cao hơn nữa.
 Test dị ứng trước khi tiêm vaccine cho người có cơ địa dị ứng tại một bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn Hà Nội.

Có cơ địa, tiền sử dị ứng với thực phẩm, thời tiết, latex, kháng sinh v.v… không phải là lý do để không tiêm vaccine phòng Covid-19. Chống chỉ định duy nhất với một vaccine Covid-19 cụ thể, ví dụ vaccine Covid-19 của hãng Pfizer, là khi đã có phản ứng dị ứng bất kể nặng nhẹ với chính vaccine hoặc với thành phần của vaccine đó (Pfizer). Trong trường hợp cụ thể này (có phản ứng dị ứng với mũi 1 của vaccine Covid-19 Pfizer, hoặc có tiền sử dị ứng với PEG là thành phần của vaccine Covid-19 Pfizer) thì chống chỉ định tiêm vaccine Pfizer mà chuyển sang một vaccine covid-19 khác có cơ chế khác (ví dụ vaccine Covid-19 của Oxford/Astrazeneca hay Sinopharm chứ không phải Moderna).

Trên thực tế, hầu hết người có cơ địa dị ứng không biết mình có dị ứng với vaccine Covid-19 hay thành phần của vaccine hay không (ví dụ PEG, hay polysorbate), nên đa số sẽ không có chống chỉ định với vaccine Covid-19.

Có rất nhiều lý do để không làm test dị ứng trước khi tiêm vaccine Covid-19:

Thứ nhất, là không có bằng chứng rõ ràng cho thấy người có cơ địa dị ứng tăng nguy cơ có phản ứng dị ứng với vaccine Covid-19. Điều này dễ hiểu khi số lượng người có cơ địa di ứng với một dị nguyên nào đó là rất lớn, trong khi tỉ lệ dị ứng với vaccine Covid-19 là siêu nhỏ (20/1 triệu mũi tiêm trở xuống). Do vậy, việc thực hiện test dị ứng cho những người có cơ địa dị ứng rồi mới tiêm vaccine Covid-19 là cực kì không hiệu quả, gây lãng phí lớn cho xã hội, và làm mệt mỏi, tăng nguy cơ tiếp xúc không cần thiết cho người đi tiêm vaccine.

Thứ hai, quan trọng hơn là không rõ giá trị chẩn đoán dương tính của các test dị ứng này. Một số nghiên cứu cho thấy test dị ứng dương tính với vaccine covid-19 hay thành phần của nó không dự đoán được nguy cơ phản ứng dị ứng với vaccine Covid-19.

Thứ ba, là không rõ mức độ an toàn của các test dị ứng kiểu này. Có quá ít số liệu để đánh giá mức an toàn của các test lẩy da dùng vaccine Covid-19 hoặc thành phần vaccine.

Chính vì vậy, hiện nay, tất cả các hiệp hội chính thống có uy tín về miễn dịch, dị ứng lâm sàng trên thế giới đều không khuyến cáo test dị ứng với chính vaccine covid-19, hay với thành phần của vaccine Covid-19.

Trừ một số rất ít người có chống chỉ định với vaccine Covid-19 như nói ở trên (và nếu thế thì chuyển sang vaccine Covid-19 khác), người có tiền sử/cơ địa dị ứng hãy cứ yên tâm tiêm vaccine phòng vaccine Covid-19 và nên tiêm ở điểm tiêm chủng có khả năng xử lý phản vệ, theo dõi 30 phút sau tiêm là yên tâm. Test dị ứng với vaccine Covid-19 vừa không có tác dụng, vừa tốn tiền, vừa có thể nguy hiểm, lại có thể làm lỡ cơ hội được tiêm vaccine Covid-19.