70 năm giải phóng Thủ đô

Không chấp nhận sách giáo khoa riêng cho từng vùng miền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông vẫn là một vấn đề được tranh cãi nhiều ở thời điểm các kỳ thi tuyển sinh đang chuẩn bị "vào mùa", vì đây là yếu tố căn bản trong đổi mới giáo dục.

Không chấp nhận sách giáo khoa riêng cho từng vùng miền - Ảnh 1Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Phạm Hồng Tung – Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển khẳng định: Tính thống nhất trong đa dạng là nguyên tắc nền tảng của giáo dục, chương trình và SGK cũng vậy.

Tại sao lại đề cập đến nguyên tắc nền tảng trong giáo dục khi nhìn về chương trình - SGK, thưa ông?

- Hội nhập là xu thế phát triển không thể đảo ngược, ở đó, thế hệ tương lai là những công dân toàn cầu, phải đối thoại và làm việc được với nhau. Như vậy, nếu thiếu sự tương thích về trình độ, sự phù hợp về nền tảng kiến thức, kỹ năng thì họ không thể đối thoại được với nhau về văn hóa, trí thức... Chưa kể, họ còn giải quyết nhiều vấn đề đòi hỏi công dân toàn cầu chung tay góp sức từ suy nghĩ đến hành động, ứng xử văn hóa. Do đó, bất kỳ nền giáo dục nào cũng hướng tới tính quốc tế hóa, hội nhập, toàn cầu.

Vậy, tính thống nhất trong thực hiện đổi mới căn bản nền giáo dục là gì?

- Thống nhất về tiêu chí, trình độ, liều lượng, chuẩn mực tri thức là điểm cốt lõi của chương trình giáo dục các cấp. Trước hết phải xác định được những tiêu chuẩn, tức là chuẩn hóa về các tiêu chí, chất lượng; trong đó có liều lượng, trình độ tri thức, kỹ năng đối với từng môn học, cấp học, lớp học. Đó là yêu cầu bắt buộc. Bởi xét toàn bộ nền giáo dục Việt Nam khi hội nhập, sản phẩm đầu ra là những chứng chỉ, bằng tốt nghiệp THPT, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phải được công nhận, chấp nhận trên trường quốc tế. Thứ nữa, việc thống nhất về chương trình giáo dục là cơ sở để học sinh, sinh viên Việt Nam có đủ trình độ, năng lực đối thoại, giao lưu về mặt trí tuệ với thế hệ này của thế giới. Chuẩn hóa tri thức và kỹ năng của chương trình cũng là cơ sở để ta đối chiếu, công nhận bằng cấp của lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.

Khi xây dựng chương trình và biên soạn SGK phổ thông, tính thống nhất trong đa dạng được thể hiện thế nào?

- Chúng ta có thể đa dạng trong tổ chức viết SGK vì mỗi nhóm có cách tiếp cận, trình bày riêng, nhưng chương trình đào tạo, chuẩn về kiến thức, kỹ năng cần thống nhất. Đây là căn cứ gốc để các nhóm, các cá nhân biên soạn SGK và là cơ sở để hội đồng thẩm định SGK xem có đạt hay không. SGK vừa có nhiệm vụ trang bị những tri thức nền tảng để người học có sự hiểu biết nhất định; vừa đảm bảo yêu cầu mở về phương pháp tư duy và là cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng. Nhưng quan trọng hơn, SGK chỉ ra phương pháp tự cập nhật tri thức, tự học.

Chúng ta tuyệt nhiên không chấp nhận SGK riêng cho từng vùng miền, dân tộc, tôn giáo. SGK phải đề cao tính thống nhất của dân tộc Việt Nam về mặt lịch sử, văn hóa để tạo nên sự bền chắc, củng cố ý thức quốc gia, dân tộc. Yêu cầu nữa khi viết SGK là tôn trọng và phát huy những phong phú trong nền văn hóa, lịch sử Việt Nam. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn thừa nhận sự tồn tại khác biệt về vùng miền, văn hóa tộc người, tín ngưỡng tâm linh. Tất nhiên, khi phát huy cái hay của những đa dạng, chúng ta phải giảm thiểu cái dở của sự phong phú ấy đi.

Sự đa dạng sẽ được tôn trọng thế nào trong việc làm SGK, thưa ông?

- SGK chung về văn hóa lịch sử cần giới thiệu được những giá trị nổi bật cho tất cả các vùng miền. Vì SGK dạy cho học sinh cả nước, nên phải giới thiệu những di sản Tây Bắc, Nam Bộ, Tây Nguyên, chứ không phải văn minh Việt chỉ có đồng bằng sông Hồng. Tôi rất khuyến khích các địa phương có SGK hoặc học liệu trang bị cho học sinh kiến thức về giá trị văn hóa lịch sử của địa phương. Trong việc làm chương trình, SGK cần có sự thống nhất về chuẩn nền tảng tri thức và kỹ năng, phương pháp hướng dẫn học suốt đời. Và thống nhất trong tầm nhìn văn hóa nhân loại là hành trang để thế hệ hội nhập thế giới. Nhưng sự thống nhất ấy phải trong yêu cầu thực tiễn.

Xin cảm ơn ông!