Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không chỉ là bóng đá

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, trong thời điểm đầy căng thẳng cả nước tập trung mọi nguồn lực để khắc chế, đẩy lùi sự hoành hành của đại dịch Covid-19, người hâm mộ Hà Nội cùng cả nước đã có những phút giây thư giãn nhờ hai trận đấu của đội tuyển bóng đá quốc gia mà chúng ta vô cùng yêu quý.

Cần phải khẳng định, cả hai trận đội tuyển của chúng ta đều đá rất hay đem lại cho người hâm mộ những cảm nhận tuyệt vời, dù phải nhận phần thua. Có một sự trùng hợp là hai trận thua của đội tuyển đều ít nhiều liên quan quyết định của trọng tài trong những tình huống nhạy cảm. Đó là những tình huống mà nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đều nhận xét là 50 - 50, nghĩa là có thể là A, mà cũng có thể là B. Chắc sẽ còn nhiều bàn thảo về tính chính xác từ các quyết định của trọng tài. Chúng tôi chỉ muốn nói tới hiệu ứng mà nó tạo ra với các cầu thủ, giới chuyên môn cùng người hâm mộ.
Trước hết nói về các cầu thủ đội tuyển. Không phải vô cớ mà dù với hai trận thua, các cầu thủ vẫn nhận được sự cổ vũ, yêu quý của người hâm mộ cả nước, kể cả sự đánh giá cao của chuyên gia cũng như người hâm mộ nước ngoài. Không chỉ vì họ đá khá hay trước những đội bóng mạnh hơn mọi mặt, cả về hình thể, kỹ thuật, mà còn bởi tinh thần thi đấu của các tuyển thủ sau những tình huống xử lý của trọng tài. Không mất bình tĩnh, không có những phản ứng tiêu cực, nỗ lực hết mình. Cả trong hai trận đấu, nhất là về những phút cuối, các cầu thủ của chúng ta càng chơi càng hay, không ít lần tạo ra những pha tấn công khiến đối thủ không khỏi giật mình và làm nức lòng người hâm mộ. Điều đó cho thấy, bên cạnh nền tảng kỹ thuật, thể lực… bản lĩnh thi đấu của các tuyển thủ có những tiến bộ vượt bậc, thậm chí qua từng trận đấu. Không phải là người am hiểu sâu về bóng đá cũng như thể thao, tôi chỉ cảm nhận người hâm mộ có thể yên tâm, hài lòng về Đội tuyển mà chúng ta yêu quý.

Về các chuyên gia, bên cạnh những phân tích cho thấy những tình huống nhạy cảm mà trọng tài có thể đưa ra quyết định trái ngược nhau ở cả hai trận đấu, cụ thể là có một quả pennaty hay không, còn có những bình luận, thể hiện một quan điểm ứng xử. Tôi rất thích bình luận của một nhà báo ngay sau trận đấu về tình huống ông trọng tài người Qatar không cho đội tuyển Việt Nam hưởng quả phạt đền. Anh nói đại ý: Một khi trọng tài đã đưa ra quyết định thì họ phải chịu trách nhiệm và có cơ sở để bảo vệ quyết định ấy chứ không thể là cảm tính. Và cần phải chấp nhận, thậm chí tôn trọng quyết định đó.

Với người hâm mộ. Có một thực tế là sau trận thua của đội tuyển trước Australia, cả trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội không có nhiều ý kiến phê phán, chỉ trích, thậm chí xúc phạm trọng tài như ở trận thua trước Saudi Arabia. Cách ứng xử đó có thể nhờ sự phân tích thấu đáo của các chuyên gia, có thể người hâm mộ khá hài lòng vì đội tuyển đã có một trận đấu hay trước một đấu thủ mạnh hơn mọi nhẽ… Dù sao, đây cũng là một ứng xử phù hợp, biết người biết ta, mang tính chuyên nghiệp.

Có thể nói, chỉ với cách ứng xử mang tính chuyên nghiệp như vậy, chúng ta mới đánh giá chính xác về thực lực của đội tuyển, rộng hơn là nền bóng đá nước nhà mà có những quyết sách phù hợp để thực hiện ước mơ đưa bóng đá Việt Nam hội nhập với thế giới.

Hoàn toàn không phải là lý thuyết, nếu cho rằng cách ứng xử trên là vô cùng cần thiết, không chỉ với bóng đá mà cả trong nhiều lĩnh vực khác. Chúng ta luôn cần một trái tim nóng và cái đầu lạnh để đánh giá về những thành công và thất bại, từ đó có định hướng, quyết sách, bước đi phù hợp để tiến lên phía trước. Tất nhiên, để đạt được điều đó không hề đơn giản, thậm chí phải trải qua những vấp váp, bài học đau đớn. Có lẽ, đó cũng là cách ứng xử mỗi người dân và cả cộng đồng chúng ta cần có trong trận chiến cam go chống lại con virus SARS-CoV-2 mà cả nước đang gồng mình thực hiện hôm nay.