Không chỉ nặng tính răn đe

Trang Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đã không còn phù hợp về khung phạt tiền, hình thức phạt bổ sung cần được điều chỉnh tăng.

Không chỉ nặng tính răn đe - Ảnh 1
Nhưng cũng có hành vi được điều chỉnh mức phạt tiền theo hướng giảm để vừa mang tính răn đe, phòng ngừa, vừa đảm bảo tính giáo dục đối với người bị phạt…

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Văn Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan cho biết, đây là những điểm mới đáng chú ý của Nghị định số 45/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2016.

Nội dung của Nghị định 45 đã sửa đổi theo hướng nào, thưa ông?

- Luật Hải quan năm 2014 có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2015. Luật này cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã được thực hiện một năm rưỡi có nhiều nội dung quy định mới về thủ tục hải quan như: Hồ sơ khai hải quan, thời hạn làm thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan; quy định quyền hạn và nghĩa vụ của người khai hải quan, công chức hải quan; trách nhiệm của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan… Do đó, Nghị định 127 và cả Thông tư 190/2013/TT-BTC cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo hiệu quả của việc thi hành các quy định mới của Luật và các văn bản hướng dẫn Luật Hải quan.
Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn làm thủ tục xuất khẩu hàng cho các doanh nghiệp. Ảnh: Thái Thuần
Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn làm thủ tục xuất khẩu hàng cho các doanh nghiệp.     Ảnh: Thái Thuần
Có thể nói, Nghị định 45 đã sửa đổi, bổ sung Nghị định 127 theo hướng quy định mới của Luật Hải quan năm 2014. Và việc ban hành Nghị định 45 nhằm giải quyết các vướng mắc phát sinh qua hơn 2 năm thực hiện Nghị định 127 như: Một số hành vi vi phạm đã không còn phù hợp về khung phạt tiền, hình thức phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả; Một số hành vi có định danh chưa rõ nên quá trình thực hiện còn có sự thiếu thông nhất; Những quy định về cưỡng chế không còn phù hợp với thực tiễn…

Đáng chú ý, những bất cập trong một số quy định tại Nghị định 127 cũng sẽ được loại bỏ tại Nghị định 45.

Như vậy là sẽ có một số nhóm hành vi phải chịu tăng chế tài xử phạt, nhưng cũng có hành vi được điều chỉnh giảm mức phạt. Ông có thể lý giải về điều này?

- Đúng vậy, việc điều chỉnh này là để phù hợp với tính chất hành vi vi phạm, vừa đảm bảo răn đe, phòng ngừa vừa để giáo dục. Ví dụ đối với hành vi vi phạm liên quan tới xuất khống để lợi dụng hoàn thuế VAT, thuế nội địa hoặc trong quá trình kinh doanh hàng nhập tái xuất nếu phát hiện thẩm lậu vào trong nước hoặc vi phạm trong quá trình tạm nhập tái xuất thì tăng mức phạt để có tính răn đe. Chế tài xử phạt cao nhất là 80 triệu đồng, nếu kinh doanh hàng cấm xuất nhập khẩu còn bị tịch thu tang vật.

Hướng sửa đổi là phù hợp với quy định mới của Luật Hải quan năm 2014, đồng thời đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa đối với hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng. Nhưng với hành vi “Không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan hải quan” thì mức phạt tiền lại giảm từ 10 – 20 triệu đồng xuống còn 2 – 4 triệu đồng cho tương đồng với quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Có ý kiến lo ngại việc hạ mức phạt hành chính như vậy sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả xử phạt các hành vi vi phạm?

- Theo tôi, việc hạ chế tài xử phạt không ảnh hưởng tới tính phòng ngừa mà trái lại vẫn đảm bảo có tính răn đe, có tính giáo dục. Xử phạt hành chính không nhất thiết phải tăng cao mức phạt mới là có hiệu quả mà chính là phải phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, đồng thời phải tương đồng với các Nghị định khác trong việc xử phạt cùng một hành vi. Hiệu lực, hiệu quả xử phạt là phải đảm bảo tính thống nhất giữa các Nghị định xử phạt.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần