Không chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm cuối năm, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hiện nay, diễn biến dịch bệnh mùa Đông - Xuân khó lường, nhất là dịch sốt xuất huyết (SXH). Nguy hiểm hơn, ở giai đoạn này, người dân lo phòng dịch Covid-19 mà lơ là, chủ quan với SXH. Để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả thì sự vào cuộc của cộng đồng đóng vai trò quyết định.

Quang cảnh buổi tọa đàm trực tuyến ngăn ngừa, phòng, chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng tại báo Kinh tế & Đô thị, ngày 18/12. Ảnh: Thanh Hải
Nhiều biện pháp chống dịch hiệu quả
Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp thời gian qua, số ca mắc SXH trên địa bàn TP Hà Nội hiện đã có dấu hiệu chững lại. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân Lê Minh Tuấn, nhiều năm qua, quận luôn nằm trong top 4 có ca mắc SXH cao nhất TP. Tính đến giữa tháng 12/2020, Thanh Xuân có 233 ca mắc SXH, 40 ổ dịch. “Con số này có giảm so với những năm gần đây. Năm nay, lường trước và kiên quyết không để dịch chồng dịch, chúng tôi đã tính trước các phương án, ưu tiên xử lý triệt để các ca bệnh, ổ dịch phát sinh. Đồng thời, quận cũng phát động các chiến dịch vệ sinh môi trường đúng thời điểm véc-tơ tăng cao. Do vậy, dù chiến dịch vệ sinh môi trường có giảm so với năm ngoái, nhưng Thanh Xuân đã khống chế tốt dịch SXH”- ông Lê Minh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay, quận có tổ chức 1 đội chuyên nghiệp gồm 45 cán bộ y tế được đào tạo, từ các khoa, phòng, trạm y tế phường xuống tận cơ sở để chia sẻ, tư vấn kiến thức giúp người dân có thể tự phòng bệnh, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh. Dù công tác truyền thông phòng chống dịch liên tục được đẩy mạnh nhưng trên địa bàn vẫn có những trường hợp đáng tiếc xảy ra do người dân không tuân thủ khuyến cáo, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng.

Đồng quan điểm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS, TTYT quận Nam Từ Liêm Đỗ Thị Lê Vân cho hay, năm nay, tình hình dịch bệnh SXH có số lượng ca mắc giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến thời điểm này, trên địa bàn chỉ còn một số bệnh nhân mắc SXH. Thời gian qua, bên cạnh công tác tuyên truyền về phòng chống Covid-19, quận cùng các phường vẫn duy trì tuyên truyền SXH. “Vì tình hình dịch Covid-19 nên chúng tôi chia nhỏ các nhóm đến từng cụm dân cư, đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, rà soát những bệnh nhân SXH. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra đột xuất tại các địa bàn có điểm nóng. Những cố gắng trong công tác tuyên truyền cùng với sự quyết liệt trong khâu kiểm tra, giám sát đã góp phần kiểm soát tình hình dịch SXH”- bà Đỗ Thị Lê Vân nói.
Phun thuốc diệt muỗi tại tổ 66 phường Láng Thượng, quận Đống Đa.
Còn nhiều khó khăn

Liên quan đến vấn đề này, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm Nguyễn Hữu Giáp cho biết, tuy đã làm tốt công tác tuyên truyền nhưng trong quá trình triển khai tại các tổ dân phố, phường gặp phải một số khó khăn, phức tạp như địa bàn rộng, nhiều công trình công cộng, mật độ dân số cao, di biến động lớn khiến việc kiểm soát nguồn lây gặp rất nhiều vất vả. “Điều đáng nói, người dân có tâm lý chủ quan, chỉ lo phòng, chống dịch Covid-19. Trong khi, vấn đề nhân lực của trạm y tế khó đáp ứng được khi dịch bùng phát. Ngoài ra, trong quá trình phun hóa chất, vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, một số hộ gia đình không hợp tác làm ảnh hưởng đến tỷ lệ phun thuốc…”- ông Nguyễn Hữu Giáp chỉ rõ.

Đề cập đến việc phun hóa chất, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, CDC Hà Nội Đào Hữu Thân cho rằng, hiện nay, ngành y tế Hà Nội đang tổ chức phun hóa chất diệt muỗi nhằm mục đích phòng bệnh khi mật độ muỗi tăng cao.Tuy nhiên, việc phun hóa chất chỉ có tác dụng tức thời diệt muỗi trưởng thành có virus gây bệnh, phun nhanh, diệt nhanh và không có hiệu quả diệt muỗi lâu dài cho những ngày sau. “Thực tế, hiện nay, trên các trang mạng xã hội có nhiều cá nhân tự quảng bá về dịch vụ phun thuốc diệt muỗi tại hộ gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có hướng dẫn và cũng không khuyến khích người dân tự mua hóa chất về phun, mà nên liên hệ với cơ sở y tế trên địa bàn hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ lớn của Nhà nước để thực hiện việc phun hóa chất cũng như được tư vấn đúng cách về việc phòng bệnh”- ông Đào Hữu Thân lưu ý.

Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, năm 2020, giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Hà Nội ghi nhận trên 6.300 trường hợp mắc SXH, với 3 type lưu hành, đáng tiếc 2 người đã tử vong. Điều này cho thấy, người dân không được chủ quan với dịch SXH, dù tỷ lệ mắc bệnh không cao. Trong mùa Đông - Xuân năm nay, dự báo nền nhiệt cuối năm tương đối thấp, kéo theo nguy cơ bệnh về đường hô hấp sẽ gia tăng. Đặc biệt, dự kiến, năm 2021 sắp tới sẽ có nguy cơ gia tăng dịch SXH, theo chu kỳ 3 - 4 năm. “Do đó, nếu Hà Nội làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch, TP sẽ cơ bản khống chế được dịch SXH trước khi vào giai đoạn cao điểm tháng 4 hàng năm”- ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh.
Trong tuần 48 năm 2020, Hà Nội ghi nhận 196 ca mắc SXH, giảm 76 trường hợp (28%) so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 23/30 quận, huyện, 108/579 xã, phường. Một số quận ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần như Đống Đa có 35 ca; Hà Đông 23 ca; Nam Từ Liêm 21 ca. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, quận Nam Từ Liêm là quận đứng đầu về số ca mắc với 645 ca. Quận Đống Đa đứng thứ 2 với 582 ca mắc và huyện Thường Tín đứng thứ 3 với 533 ca mắc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần