Không chủ quan với lạm phát

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hơn 3,5%, lạm phát bình quân cả năm vẫn giữ được mức dưới 4% theo mục tiêu của Chính phủ.

Năm nay, CPI bình quân 10 tháng tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Khả năng đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của Chính phủ là chắc chắn. Tuy nhiên, lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ.
Áp lực dồn đẩy lạm phát sang 2020?
Chỉ số CPI tháng 10/2019 tăng 0,59% so với tháng trước, mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 10 trong 3 năm gần đây. Trong tháng, giá thịt lợn tăng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi làm giảm nguồn cung. Cùng với đó, việc điều chỉnh tăng giá xăng, dầu theo giá thế giới; điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục… là yếu tố chủ yếu đẩy CPI tháng 10 tăng.
Tuy vậy, bình quân 10 tháng CPI tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018, đây vẫn là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Việc Ngân hàng Nhà nước kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cũng đã góp phần kéo CPI tăng chậm lại.
 Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng tại siêu thị Big C.  Ảnh:  Hải Linh
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,82 - 2,04%, bình quân 10 tháng lạm phát cơ bản ở mức 1,92% cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.
“Trong khi đó, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục gây nên”- cơ quan thống kê nhận xét.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, một số đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ mối lo ngại về những thách thức trong việc kiểm soát lạm phát trong thời gian tới. “Chính phủ cần có kịch bản để kiểm soát lạm phát. Thời gian tới, chỉ số giá tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng bỏi giá xăng dầu và thực phẩm. Đặc biệt, giá thịt lợn trong những tháng cuối năm có thể tăng lên. Nguồn cung thịt lợn giảm bởi dịch tả lợn châu Phi, trong khi đó, nhu cầu về mặt hàng này lại tăng cao vào những dịp lễ, Tết cuối năm.
Bên cạnh đó, các tháng 10, 11, bão áp thấp nhiệt đới có thể tác động đến thực phẩm tươi sống trên thị trường và giá cả cục bộ tại tỉnh gặp thiên tai. Quý IV cũng là cao điểm nhất với lĩnh vực vận tải, từ hàng không, đường bộ, đường sắt...” - nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại áp lực dồn đẩy sang năm sau và cũng đã nhắc đến việc cân nhắc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ công để tránh ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2020.
Thực tế trong 10/11 nhóm hàng hóa tăng giá trong tháng 10, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,53% chủ yếu do giá gas trong nước điều chỉnh tăng vào thời điểm 1/10/2019 làm chỉ số giá gas tăng 7,62%, CPI chung tăng 0,09%; nhóm giáo dục tăng 0,19% riêng dịch vụ giáo dục tăng 0,21% do một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019 - 2020; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%.
Theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả
Trong các báo cáo về kinh tế Việt Nam, các dự báo về lạm phát được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống còn 3,0% năm 2019; ở mức 3,5% cho năm 2020. Trong điều kiện sức cầu trên toàn cầu giảm nhẹ, giá năng lượng ở mức vừa phải. Năm 2020, 2021, lạm phát của Việt Nam vẫn nằm trong khoảng 4% nhưng tăng nhẹ lên so với 2019.
Theo ADB, mặc dù, lạm phát chỉ ở mức thấp, nhưng Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2019 và giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức mục tiêu 14%. Các ngân hàng thương mại tiếp tục chịu áp lực đáp ứng chuẩn mực Basel II vào năm 2020. Việc giảm tỷ lệ cho vay các DN Nhà nước là tín hiệu tích cực, nhưng tỷ lệ nợ tiêu dùng tăng nhanh đang hàm chứa rủi ro cho nền kinh tế.
Nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng chỉ ra, kinh tế thế giới vẫn đang còn nhiều bất ổn, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, diễn biến phức tạp của tình hình địa - chính trị thế giới…, giá dầu thế giới được dự báo tiếp tục tăng cao, không chỉ ảnh hưởng tới giá cả thị trường thế giới, mà cả Việt Nam.
Thậm chí VEPR còn cho rằng, việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc bị giảm giá dưới sức ép của chiến tranh thương mại và chính sách nới lỏng tiền tệ của nhiều nước trên thế giới cũng gây sức ép tới VND cũng là yếu tố rủi ro tác động đến mức giá chung.
Mới đây, Bộ Công Thương có quyết định kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện và kết quả sẽ là cơ sở để EVN tính toán việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Rating mới đây dự đoán EVN sẽ tăng giá điện thêm 5% vào năm 2020. Hồi tháng 3, giá điện bình quân đã được tăng thêm 8,36% lên 1.864 đồng/kWh. Fitch Rating cho rằng nhu cầu điện tại Việt Nam tiếp tục tăng ở ngưỡng trung bình khoảng 9,5%/năm do được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và đời sống ngày càng tăng.
Chỉ đạo điều hành giá các mặt hàng những tháng cuối năm 2019 và định hướng điều hành giá cho cả năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị: Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường thịt lợn trong nước các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2020, yêu cầu Bộ NN&PTNT có kịch bản chi tiết cụ thể tình hình sản xuất, cung - cầu và phối hợp với Bộ Công Thương để có biện pháp bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng trong nước; tránh tình trạng tăng giá đột xuất nhóm hàng này.
Các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng nắm rõ thông tin nguồn cung - cầu, sớm có kế hoạch tạo nguồn hàng, dự trữ bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đối với các sản phẩm dịch vụ chuyển từ phí sang giá (gồm 9 dịch vụ tại địa phương), các địa phương rà soát, đánh giá tình hình ban hành, mức giá các dịch vụ và dự kiến mức điều chỉnh giá, lộ trình điều chỉnh nếu có theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành giá đảm bảo hài hòa lợi ích nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ. C
ác Bộ, ngành rà soát hoàn thiện ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật để làm căn cứ xây dựng phương án giá dịch vụ. Về thuốc chữa bệnh, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu thầu thuốc tập trung.
Phó Thủ tướng lưu ý một số yếu tố cần xem xét, như tình hình cung cầu một số mặt hàng trong nước và diễn biến thế giới, đồng thời cho biết năm tới Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét kiểm soát lạm phát khoảng 4%.

"Thị trường giá cả cuối 2019 và năm 2020 sẽ không thuận lợi như đầu năm 2018: Diễn biến kinh tế thế giới còn biến động, giá nhiều nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tăng; dịch tả lợn châu Phi lan sang nhiều nước khác, sức nóng của thị trường thịt lợn thế giới dự báo sẽ kéo dài tới 2020; năm 2020, giá các dịch vụ khám chữa bệnh tăng theo mức lương cơ sở... Những yếu tố trên đặt ra cho công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục cố gắng nỗ lực.

Các bộ, ngành cần phối hợp tăng cường công tác dự báo, bám sát diễn biến giá cả thị trường; đề xuất kịch bản điều hành giá chi tiết cho năm 2020; chủ động rà soát, cân đối cung cầu; tiếp tục rà soát để đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm giá (vật tư y tế, dịch vụ sử dụng đường bộ BOT...).

Chính sách tiền tệ linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. " - Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Ngọc Tuyến