Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không chủ quan với nguy cơ mưa lũ sau bão

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/10, bão số 9 đã đổ bộ đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và suy yếu dần. Dù vậy, hoàn lưu bão được nhận định sẽ còn gây mưa lũ tại nhiều địa phương trong những ngày tới.

Đã có người thiệt mạng do bão số 9

Do ảnh hưởng của bão số 9, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định và Kon Tum đã có mưa to đến rất to. Mưa đã gây ngập lụt chia cắt 2 thôn với 259 hộ và 1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum).
 Bão số 9 khiến nhiều khu vực tại tỉnh Bình Định bị ngập. Ảnh: Bá Quyền
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, sau bão, ngập lụt gây chia cắt 2 thôn với 259 hộ,1.225 người dân tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum. Đến tối ngày 28/10 vẫn còn 360 xã đang bị mất điện (chủ động cắt điện chống bão), tại Đà Nẵng (11 xã); Quảng Nam (56 xã); Quảng Ngãi (145 xã); Bình Định (97 xã); Phú Yên (51 xã). Ngoài ra, hệ thống điện mặt trời, tỉnh Bình Định bị hư hại. Thống kê cho thấy bão đã làm sập 34 nhà (Quảng Ngãi 9, Bình Định 23, Phú Yên 1, Gia Lai 1). Số nhà bị tốc mái do bão là 56.163 nhà (trong đó có đến hơn 53.000 nhà ở Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, có 31 trụ sở cơ quan ở Quảng Ngãi bị tốc mái, hư hỏng; 35 điểm trường ở Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum bị tốc mái.

Đáng chú ý, bão số 9 đã khiến 1 người bị chết (Gia Lai, do trú mưa ở lán bị sập), 2 người bị thương (Bình Định). Ngoài ra còn có 2 trường hợp tại tỉnh Quảng Ngãi bị chết khi đang chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây để chống bão.

Huy động máy bay cứu nạn tàu cá

Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, đại diện Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cho biết có hai tàu cá mang số hiệu BĐ96388-TS và BĐ97469-TS bị phá nước chìm. Tổng số thuyền viên đang mất tích là 26 người.

Tàu BĐ98658-TS hoạt động gần khu vực tàu BĐ97469-TS bị chìm di chuyển đến ứng cứu, nhưng không tìm được thuyền viên. Trên đường quay về gặp sóng to gió lớn nên phải thả neo đậu trên biển. Hiện, cơ quan chức năng vẫn đang liên lạc thường xuyên với tàu BĐ98658-TS.

Trước tình hình khẩn cấp trên, tại cuộc họp trưa ngày 28/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 2 tàu hải quân và 2 tàu kiểm ngư ra cứu hộ tàu cá BĐ98658-TS đang gặp nạn trên vùng biển Bình Định. Cũng liên quan tới công tác cứu hộ, cứu nạn tàu cá, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết Bộ Quốc phòng đã quyết định điều động thêm tàu Kiểm ngư 490 ra khu vực tàu BĐ96338-TS bị chìm.

“Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu phương án sẵn sàng sử dụng máy bay để bay tìm kiếm, thả phao và thông báo cho các lực lượng tàu tìm kiếm nạn nhân trôi dạt trên biển. Đội bay sẽ khởi hành ngay khi thời tiết cho phép...” - Trung tướng Nguyễn Trọng Bình thông tin.

Sẵn sàng ứng phó mưa lũ sau bão

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 9, trong ngày hôm nay (29/10), tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Phú Yên tiếp tục có mưa với lượng mưa từ 200 - 400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 150 - 250mm/đợt. Từ ngày 29 - 31/10, khu vực Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa từ 500 - 700mm/đợt; Quảng Bình - Quảng Trị cũng sẽ mưa từ 200 - 400mm/đợt.

Trước diễn biến mưa lũ còn phức tạp trong những ngày tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương sẵn sàng ứng phó với các sự cố mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực miền núi. Những hồ đập trọng yếu, có nguy cơ sự cố lớn, ảnh hưởng đến hạ du phải được theo dõi chặt chẽ để vận hành an toàn, ứng phó, xử lý kịp thời.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đơn vị đứng chân trên địa bàn các tỉnh vùng lũ có trách nhiệm cùng chuẩn bị lực lượng, vật tư, trang thiết bị chủ động ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp khi có sự cố xảy ra. “Các địa phương không được phép chủ quan dù bão đã tan. Những ngày tới, cần tập trung chỉ đạo để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân. Áp dụng mọi biện pháp tại chỗ để ứng phó nguy cơ mưa lũ sau bão…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.