Không chủ quan với rủi ro lạm phát

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 11 tháng của năm 2022, mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố ở mức 3,02%. Như vậy, mục tiêu kiềm chế và kiểm soát lạm phát cho cả năm 2022 là dưới 4% có thể đã nằm trong tầm tay.

Tuy nhiên, chi phí vốn tăng cao, giá điện dự kiến tăng và độ trễ tác động từ làn sóng tăng giá nhiên liệu, hàng hóa… là những áp lực rất lớn cho mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm tới.

Lạm phát năm 2022 dưới mức mục tiêu

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 tăng 0,39% so với tháng trước, trong đó, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Winmart trên địa bàn quận Cầu Giấy. Ảnh Công Hùng 
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Winmart trên địa bàn quận Cầu Giấy. Ảnh Công Hùng 

Trong các nguyên nhân làm tăng CPI 11 tháng năm 2022, đáng chú ý nhất là đà tăng của giá xăng, dầu. Trong 11 tháng năm nay, giá xăng, dầu đã được điều chỉnh 31 đợt. Tính bình quân 11 tháng 2022 so với cùng kỳ năm trước, giá xăng, dầu trong nước tăng 31,76%, tác động làm CPI chung tăng 1,14 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, giá nhà ở và vật liệu xây dựng 11 tháng năm nay tăng 2,75% so với cùng kỳ năm trước, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,52 %. Giá các mặt hàng thực phẩm 11 tháng năm 2022 tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,28%. Ở chiều ngược lại, có 3 nhóm hàng giảm chỉ số giá, gồm: giáo dục, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, bưu chính viễn thông.

Từ nay đến cuối năm, theo Tổng Cục Thống kê, nếu giá xăng, dầu tương đối ổn định, cung cầu hàng hóa duy trì ở mức hợp lý, lưu thông được thông suốt và thị trường không có những đột biến lớn thì khả năng CPI cả năm nay sẽ ở mức tăng 3,7 - 3,8% so với năm 2021.

“Nếu so với các nước trên thế giới, thì mức lạm phát của Việt Nam hiện nay thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp" - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng Cục Thống kê) Nguyễn Thu Oanh, thông tin.

Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) Tyler Cheung cho rằng, kết quả này là nhờ Việt Nam kiểm soát tốt 3 nhóm hàng lớn nhất trong rổ tính chỉ số giá CPI, thước đo lạm phát. Giá lương thực thực phẩm (chiếm 1/3 rổ tính CPI), đặc biệt là giá thịt heo và giá gạo, được kiểm soát tốt nhờ Việt Nam có thể tự cung cấp, do đó tránh được rủi ro gia tăng lạm phát từ nhập khẩu như các nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực đang gặp phải.

Trong khi đó, đà tăng giá của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (nhóm hàng hóa lớn thứ 2 trong rổ, chiếm tỷ trọng khoảng 20%) đã chậm lại. Còn nhóm thứ ba là nhóm giao thông (nhóm lớn thứ 3 với tỷ trọng khoảng 10%), nhưng tác động lên rổ CPI khá lớn vì tất cả các hàng hóa đều chịu tác động từ chi phí vận chuyển và giá xăng, dầu tăng. “Đây cũng là nhóm hàng mà người dân dễ dàng cảm nhận nhất trong cuộc sống hàng ngày qua sự biến động của giá xăng, dầu niêm yết tại các cây xăng” - ông Tyler nói.

Từ nay tới cuối năm, áp lực từ các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ không còn quá lớn. Do vậy, tỷ giá USD/VND cũng sẽ hạ nhiệt, giúp NHNN có thêm lựa chọn chính sách ứng phó nếu có những diễn biến bất lợi vào tháng cuối năm hoặc dịp Tết. Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách dự báo, lạm phát cả năm 2022 sẽ ở mức 3,8 - 3,9% và trong ngưỡng mục tiêu đặt ra từ đầu năm.

Cảnh giác nhân tố tiềm ẩn

Dù năm 2022, chỉ số CPI đã có thể được kiểm soát tốt, nhưng theo các chuyên gia áp lực lạm phát vẫn còn đó. “Tác động chi phí đẩy sẽ xuất hiện rõ hơn trong năm sau, có thể không tăng đột biến nữa nhưng vẫn giữ ở mức cao, gây áp lực kỳ vọng lạm phát” - TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích.

Trong đó, 2 yếu tố ảnh hưởng rõ nét nhất là giá điện tăng và chi phí vốn tăng mạnh. Giá xăng, dầu có thể giảm trong ngắn hạn, nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine chưa chấm dứt, cú “sốc” giá nhiên liệu dự kiến có thể giảm bớt vào năm 2023 nhưng hiệu ứng lan tỏa vòng hai tiếp tục diễn ra.

Ngoài ra, theo TS Việt, các yếu tố ảnh hưởng đến kỳ vọng lạm phát có thể là việc tăng lương, kỳ vọng tăng chi phí thuê nhà. Gói hỗ trợ 487.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân khoảng 16 - 20%, cộng thêm áp lực đẩy mạnh đầu tư công cũng là yếu tố gây áp lực lên lạm phát.

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thời gian tới, tác động của đà tăng giá đầu vào sẽ rõ rệt hơn với CPI. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang trong lộ trình tăng lương và giá các dịch vụ hàng hóa Nhà nước quản lý như điện, giáo dục, y tế... Điều này khiến lạm phát của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều áp lực trong năm 2023.

TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, các cơ quan điều hành và địa phương nên tiếp tục kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với mặt hàng xăng, dầu, lương thực thực phẩm và không nên đồng loạt tăng học phí, giá dịch vụ y tế trên khắp cả nước. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục duy trì sự phối hợp hài hòa và linh hoạt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để vừa hỗ trợ sản xuất kinh doanh vừa góp phần kiểm soát tốt lạm phát.

Doanh nghiệp thấp thỏm theo giá hàng hóa

Xuất khẩu giảm, kích cầu nội địa gặp không ít khó khăn vì giá cả tăng… là những lo lắng của người dân, DN trong những tháng cuối năm. Sang năm 2023, các DN sẽ đối mặt với tăng trưởng lợi nhuận chậm lại do chi phí vốn tăng cao, giá cả hàng hóa với những nhịp biến động liên tục, người tiêu dùng sẽ bị giảm sức mua…

Tổng Giám đốc Nhựa Bình Minh Nguyễn Hoàng Ngân chia sẻ, vừa qua, giá nguyên liệu nhựa giảm trong khi giá bán vẫn giữ nguyên và không tăng chiết khấu, giúp Công ty đạt biên lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào vẫn tiềm ẩn tính bất ổn, nên DN sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình để có mức tồn kho hợp lý.

Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn La Trần Ngọc Hiếu cho biết: “Để ép ra 1kg đường, phân bón chiếm 45%, nguyên liệu chiếm 38%, ngoài ra còn các chi phí về điện, nước, xăng dầu, logistics, nhân công... Việc tất cả các chi phí tăng cao đã khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”.

Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ đã đặt mục tiêu lạm phát năm 2023 ở mức 4,5%, là mức kỳ vọng, song vẫn nên cố gắng phấn đấu để hướng tới mục tiêu chung và lớn hơn là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng bền vững.

 

Việc giữ được CPI thấp trong năm 2023 sẽ là cực kỳ khó khăn. Do đó các chính sách cần phải hướng đến là ổn định cân đối vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát, để mức lạm phát thấp nhất trong giới hạn dưới 4,5%.

TS Đinh Trọng Thịnh - nguyên giảng viên Học viện Tài chính

Giá dầu, yếu tố tác động trực tiếp đến giá xăng, dầu trong nước là biến số khó lường, không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DN, mà còn là tác động mạnh đến lạm phát toàn cầu và các quyết định điều hành lãi suất của các ngân hàng trung ương.

TS Cấn Văn Lực