Thời gian gần đây, công chúng và đặc biệt là những nghệ sĩ gắn bó với thương hiệu với thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) gần 60 năm không khỏi bức xúc trước việc đơn vị này được bán cho Công ty Vận tải thủy (Vivaso) với giá hơn 30 tỷ đồng. Chưa tính về thương hiệu, khối tài sản như kho đạo cụ vũ khí, kho phim chỉ tính riêng những mảnh “đất vàng” mà VFS đang được sở hữu dưới hình thức được thuê và trả tiền theo năm, bao gồm bao gồm: 5.443,5m2 đất tại số 4 Thụy Khuê, 904,9m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, 6.382,8m2 đất ở Đông Anh trường quay Cổ Loa, 1.208,72m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP Hồ Chí Minh – thì có thể thấy đơn vị này đang sở hữu khối tài sản nghìn tỷ.
Thế nhưng, VFS đã tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 14/4 với mức giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phiếu. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ VFS đạt 50 tỷ đồng, tương ứng 5 triệu cổ phần theo mệnh giá. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 20% cổ phần; cán bộ, công nhân viên nắm giữ 4,5% cổ phần; đấu giá công khai 10,5% và 65% cổ phần còn lại thuộc về nhà đầu tư chiến lược là Vivaso với số tiền đầu tư là 33,15 tỷ đồng.
Sự kiện này khiến dư luận cho rằng Bộ VHTT&DL đã vội vã bán rẻ VFS. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo chiều ngày 5/5, ông Huỳnh Vĩnh Ai cho biết không có chuyện Bộ VHTT&DL bán rẻ VFS. “Quy trình cổ phần hóa hoàn toàn đúng quy định của Nhà nước. VFS đã thuê một đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp. Nếu chỉ dựa trên lợi thế kinh doanh, với hiện trạng nợ 19,7 tỷ, liên tục thua lỗ nhiều năm liền thì giá trị của VFS là bằng 0. Tuy nhiên, rõ ràng VFS có thương hiệu ở trong nước và quốc tế, từng có nhiều bộ phim gây tiếng vang, nên vốn điều lệ của VFS được xác định là 50 tỷ. Và việc định giá này không bao gồm tài sản đất” – ông Trần Hoàng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ VHTT&DL) cho biết.
Để chấn an dư luận về vấn đề Vivaso mua VFS chỉ vì những lô đất vàng ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Ngoài những cam kết theo quy định cổ phần doanh nghiệp, Vivaso còn phải cam kết thêm 7 điều như: 90% doanh thu của công ty cổ phần phải từ hoạt động sản xuất phim, tuân thủ phương án sử dụng đất để sản xuất phim. “Nói tóm lại hầu hết mọi hoạt động sử dụng, đầu tư là cho phim” – ông Huỳnh Vĩnh Ái Ái bày tỏ. Hơn nữa, mặc dù Nhà nước chỉ nắm 20% cổ phần nhưng sẽ nắm giữ ba vị trí chủ chốt để giám sát là: Thành viên hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát. “Nếu nhà đầu tư chiến lược không đúng nguyên tắc thì chúng tôi sẽ kiến nghị thu hồi và yêu cầu bồi phạt” – ông Ái cho biết thêm.
“Chúng tôi rất thận trọng trong việc cổ phần hóa lĩnh vực điện ảnh. Cổ phần hóa là chấp nhận những luồng dư luận. Tuy nhiên, không cổ phần hóa thì Hãng phim truyện Việt Nam chỉ còn cách phá sản. Để thương hiệu của cả một ngành điện ảnh Việt phá sản thì đau lòng lắm” – ông Huỳnh Vĩnh Ái khẩn thiết đề nghị truyền thông đồng hành, thấu hiểu cho những người quản lý với mong muốn giữ lại thương hiệu phim truyện Việt Nam.
Mặc dù Bộ VHTT&DL giải thích mọi quy trình đều hợp lý, đúng luật nhưng cũng không thể ngăn được những băn khoăn của dư luận và nghệ sĩ. Vì sao một đơn vị đang làm ăn thua lỗ, không hiểu biết về nghệ thuật như Vivaso lại bỏ tiền đầu tư cho điện ảnh? Nếu không vì mục đích thâu tóm “đất vàng”, phải chăng họ đã tìm ra những kế sách hay có thể cứu được VFS. Nếu như vậy thì Vivaso là vị cứu tinh cho điện ảnh Việt, tìm được đường đi cho hàng trăm con người đang loay hoay “sống dở chết dở” nhiều năm nay. Vivaso có phải là vị thần, hay việc cứu được một nền điện ảnh trì trệ nhiều năm chỉ là giấc mơ câu trả lời sẽ nằm ở chất lượng của những tác phẩm điện ảnh trong tương lai.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái (ở giữa) chủ trì cuộc họp báo đột xuất chiều ngày 5/5.
|