Thực tế “bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh” chỉ là thay đổi hình thức tên gọi, còn bản chất vẫn không thay đổi.
Chỉ làm rõ đối tượng vay
Theo Vụ Pháp chế - NH Nhà nước, trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về chủ thể (chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân), Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy, theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, DN tư nhân... “Thông tư 39 nêu rõ khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng là pháp nhân, cá nhân. Điều này có nghĩa, hộ gia đình vẫn được giao dịch nhưng với tư cách của một hoặc một số cá nhân cụ thể chứ không phải "hộ gia đình” “hộ kinh doanh” đứng lên vay” - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN Đoàn Thái Sơn khẳng định.
Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của một NHTM vốn đã có nhiều gói tín dụng dành cho hộ cá thể cho biết, so với trước đây, quy định này không có gì khác biệt, chỉ là rõ ràng hơn về từ ngữ ghi trên giấy tờ. Hộ gia đình thì không được ghi vào hợp đồng tín dụng, vì là chủ thể không được xác định rõ ràng về pháp lý. “Từ trước đến giờ, chúng tôi cho tiểu thương ở chợ vay để kinh doanh vẫn luôn là cá nhân đứng tên, không phải hộ kinh doanh hay tổ chức. Vì hộ, tổ chức là tên ảo, ràng buộc trách nhiệm phải là một người cụ thể” - vị này nói.
Nhiều hình thức vay vốn
Với quy định mới này, nếu hộ gia đình muốn vay, cá nhân là chủ hộ sẽ phải đứng tên và chịu trách nhiệm trả nợ với tư cách cá nhân. Nhiều hộ lo ngại sẽ phải làm lại hợp đồng, ngoài ra lãi suất sẽ cao hơn do thông thường, lãi suất vay theo diện cá nhân sẽ được tính như vay tiêu dùng và khiến chi phí vốn có thể "đội" lên.
Theo Bộ Tư pháp, cuối năm 2016, Bộ đã báo cáo Thủ tướng về công tác rà soát thực hiện Bộ luật Dân sự 2015, trong đó có rà soát về chủ thể hộ và đưa ra những giải pháp để chuyển đổi chủ thể hộ thành quan hệ giữa thành viên trong hộ gia đình. Cũng theo Bộ Tư pháp, quy định này không phải để bắt buộc các hộ gia đình kinh doanh, tổ hợp tác phải thành lập DN mà là để quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân khi tham gia giao dịch dân sự. Được biết, Bộ luật Dân sự 2015 không áp dụng hồi tố, có nghĩa các hợp đồng dân sự có chủ thể "hộ" trước đây vẫn có hiệu lực.
Một số NHTM cho biết trước đó vẫn giải ngân vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh cho hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể. Nay, nếu có quy định mới sẽ chờ văn bản hướng dẫn chi tiết của NH Nhà nước nhưng hoạt động cho vay, lãi suất đối với nhóm khách hàng là hộ kinh doanh, hộ gia đình sẽ không thay đổi nhiều.
Theo lãnh đạo một ngân hàng, lâu nay, những người kinh doanh tại chợ hay chủ cơ sở sản xuất tại gia vẫn có thể vay vốn từ ngân hàng cho mục đích kinh doanh, sản xuất, không phải tiêu dùng miễn là đáp ứng các điều kiện từ tổ chức tín dụng. Về lãi suất, đây là quan hệ kinh tế giữa hai bên cho vay và người đi vay. Không phải cứ DN thì lãi suất thấp hơn cá nhân. Mức lãi suất nào còn tùy vào các chương trình riêng của từng ngân hàng theo từng giai đoạn, nhu cầu thị trường, mức độ rủi ro hay giá trị khoản vay. “Có nhiều món vay của khách hàng cá nhân lãi suất thấp hơn nhiều so với hộ kinh doanh, tiểu thương nên không thể nói cá nhân vay sẽ bị đội chi phí cao hơn hộ kinh doanh như trước. Như tại SHB đang tiếp tục dành gói tín dụng 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm” - ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB chia sẻ.
Theo NHNN, trên cơ sở các quy định trong Bộ Luật Dân sự 2015 và Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Thông tư 39 cũng quy định cụ thể về lãi suất cho vay. Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. |