Không có chuyện phân biệt đối xử phi công nội - ngoại

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày qua, câu chuyện hơn 250 phi công Pakistan bị phát hiện sử dụng bằng lái máy bay giả, dẫn tới việc Bộ GTVT yêu cầu tổng rà soát toàn bộ phi công nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam trở thành chủ đề nóng.

Sau vụ bê bối hàng không ở Pakistan tình trạng phân biệt đối xử phi công nội - ngoại xuất hiện nhiều hơn. Ảnh: Anh Duy
Các hãng bay đồng loạt lên tiếng
Ngày 28/6, Vietjet Air phát đi thông cáo khẳng định đã tạm dừng toàn bộ công việc đối với 11 phi công quốc tịch Pakistan đang làm việc cho hãng này. Hãng bay này cho biết đang tích cực phối hợp với nhà chức trách hàng không trong nước cũng như nước ngoài để xác minh, làm rõ bằng lái máy bay của 11 phi công người Pakistan. Cùng ngày, Vietnam Airlines cũng lên tiếng khẳng định, hãng không có phi công người Pakistan nào đang làm việc. Số phi công quốc gia này của Vietnam Airlines được Cục Hàng không Việt Nam cấp bằng lái từ khá lâu, hiện đã chấm dứt hợp tác và về nước.
Trước những thông tin có phần nhiễu loạn trên, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, công tác rà soát phi công Pakistan đã được Cục Hàng không Việt Nam thực hiện xong. Kết quả cho thấy, có tất cả 27 phi công quốc gia này đã và đang làm việc cho các hãng bay Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ có 12 phi công còn hợp đồng với các hãng bay, trong đó 11 phi công làm việc cho Vietjet Air và 1 phi công làm việc cho Jetstar Pacific. Còn lại 15 phi công đều đã chấm dứt hợp đồng và về nước. Ông Thắng khẳng định, trước khi được làm việc tại Việt Nam, phi công Pakistan phải có bằng lái có giá trị quốc tế. Sau khi đến Việt Nam, họ phải trải qua quá trình đào tạo huấn luyện bay đầy đủ cả về lý thuyết, thực hành, bay thử nghiệm trên mô hình. Sau đó, phi công mới được Cục Hàng không Việt Nam cấp bằng lái để làm việc tại Việt Nam.
Không cần siết lại quy trình tuyển dụng phi công nước ngoài
Ngay sau khi Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc rà soát các phi công Pakistan, có thông tin cho rằng tình trạng phân biệt đối xử phi công nội – ngoại đã xuất hiện tại một số hãng bay. Về vấn đề này, ông Đinh Việt Thắng khẳng định hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử. “Trước hết, việc các hãng bay tạm thời không dùng các phi công này (phi công Pakistan – PV) là theo chỉ đạo của Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam. Khi nào có kết luận chính thức của nhà chức trách, họ sẽ thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết đối với các phi công” – ông Thắng nói .
Về vấn đề ngành hàng không Việt Nam có cần siết lại quy trình tuyển chọn và cấp phép lái máy bay cho phi công nước ngoài sau sự việc xảy ra tại Pakistan hay không, ông Thắng khẳng định đây là điều không cần thiết. “Phi công là một trong những nhân viên hàng không có tiêu chuẩn hàng đầu và được quan tâm hết sức chặt chẽ. Tất cả các quốc gia thành viên của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) đều thực hiện theo một quy chuẩn chung và thống nhất về đào tạo, tuyển dụng và sử dụng phi công” – ông Thắng nói.
Các phi công Pakistan trước đây khai thác hoạt động bay tại Việt Nam chưa có bất kỳ một sự cố nào về vấn đề an toàn. Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra tại Pakistan, trách nhiệm của chúng ta là phải xác minh lại. Nếu tất cả các phi công này đều được cấp bằng hợp pháp và hợp chuẩn quốc tế thì sẽ cho phép họ bay lại.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần