Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không có chuyện trích lại “hoa hồng” cho các trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước dư luận về vấn đề tăng phí bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) lên 4...

Kinhtedothi - Trước dư luận về vấn đề tăng phí bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) lên 4,5% mức lương cơ sở và phản ứng của phụ huynh về số tiền “hoa hồng” 4% trích lại cho nhà trường, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế để làm rõ những vấn đề này.

Hiện nay, việc tăng phí BHYT từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở đang tạo một gánh nặng đối với các gia đình có con đi học. Trong khi đó, kết dư của quỹ bảo hiểm từ các năm trước vẫn còn tới hơn 20.000 tỷ đồng. Vậy vì sao lại tăng phí vào thời điểm này, thưa ông?Không có chuyện trích lại “hoa hồng” cho các trường - Ảnh 1

- Việc nâng mức đóng BHYT từ 3% lên 4,5% đã được Bộ Y tế, Bộ Tài chính thống nhất trình Chính phủ để bảo đảm cân đối với việc tăng quyền lợi BHYT, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu… Mức đóng BHYT của HSSV bằng mức đóng thấp nhất của các đối tượng tham gia BHYT khác. Mức đóng này vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Luật BHYT (Luật BHYT quy định, mức đóng BHYT tối đa là 6%). Ngay khi đề xuất tăng phí BHYT HSSV, Vụ BHYT cũng đã đề xuất tăng mức hỗ trợ cho nhóm đối tượng này lên 50% để bảo đảm năm 2015 số tiền phải đóng BHYT của HSSV tăng không đáng kể so với năm 2014. Tuy nhiên, sau khi tính toán, cân nhắc nhiều yếu tố, các bên liên quan đã thống nhất giữ nguyên mức hỗ trợ là 30%, HSSV phải đóng 70% còn lại. Lưu ý thêm, những HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo mới thoát nghèo trong 5 năm vẫn được Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng; hộ cận nghèo được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng, các địa phương và các nguồn khác có thể hỗ trợ thêm.

Về vấn đề kết dư của quỹ BHYT, mặc dù đây là quỹ ngắn hạn, nhưng vẫn phải có quỹ dự phòng cho năm sau và để có nguồn kinh phí ứng trước 80% cho cơ sở khám chữa bệnh theo quy định của Luật BHYT. Chi phí y tế là khó lường, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mô hình bệnh tật, dịch bệnh và nhu cầu của người dân… Hơn nữa, lộ trình tính giá dịch vụ y tế theo quy định sẽ tăng dần, do đó cần phải có quỹ dự phòng cho trường hợp này. Nhiều người băn khoăn, giá dịch vụ y tế tăng thì mức đóng BHYT sẽ phải tăng thêm đến 6% theo quy định của Luật BHYT và như vậy sẽ tăng gánh nặng cho người dân. Về điều này tôi xin được giải thích thêm, khi giá dịch vụ y tế tính đủ thì ngân sách Nhà nước sẽ không phải chi cho các bệnh viện (hiện nay ngân sách Nhà nước vẫn đang cấp cho bệnh viện), khi đó số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT và như vậy mặc dù mức đóng BHYT tăng lên, nhưng số tiền người dân phải đóng góp tăng không đáng kể.

Nhiều phụ huynh học sinh cho rằng hiện có tình trạng cơ quan bảo hiểm trích lại “hoa hồng” cho nhà trường trong công tác thu BHYT, bên cạnh đó mức thu của các nhà trường cũng không thống nhất, thực hư điều này thế nào, thưa ông?

- Theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ trích lại 7% tổng số thu BHYT cho nhà trường để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức khám chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho HSSV như khám sức khỏe đầu năm, kiểm soát thừa cân béo phì, cong vẹo cột sống, tai nạn thương tích..., không có nội dung trích lại “hoa hồng” cho các nhà trường. Còn mức đóng BHYT của HSSV theo quy định là 4,5% mức lương cơ sở, trong đó HSSV phải đóng 70%, ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu là 30%, tất cả các trường đều phải thực hiện. Tuy nhiên, số tiền thu BHYT của các trường có thể khác nhau tùy theo địa phương, do một số địa phương hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức hỗ trợ 30% cho HSSV từ ngân sách địa phương, có địa phương thu 6 tháng, có địa phương thu 12 tháng, thậm chí có địa phương thu 15 tháng một lần.

Vậy quan điểm của ông thế nào khi có ý kiến khẳng định số tiền 7% cơ quan bảo hiểm trích lại cho nhà trường để chi vào công tác CSSKBĐ cho HSSV là cao?

- Theo tôi, trích 7% cho y tế trường học để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để CSSKBĐ cho HSSV chưa phải là cao, đầu tư cho CSSKBĐ là đầu tư hiệu quả, khi mà thế hệ tương lai có đủ trí và lực thì đất nước sẽ phát triển bền vững. Để việc sử dụng kinh phí này có hiệu quả, hiện nay đang quy định, chỉ những trường có Phòng y tế, có cán bộ chuyên môn trình độ trung cấp y trở lên mới được trích để thực hiện công tác CSSKBĐ cho HSSV. Trường hợp không đủ điều kiện, Bộ Y tế dự kiến sẽ hướng dẫn nhà trường hợp đồng với trung tâm y tế địa phương để CSSKBĐ cho HSSV và số tiền 7% này sẽ được chuyển sang cho đơn vị y tế đó.

Nhiều trường yêu cầu học sinh nộp 15 tháng BHYT thực sự gây khó cho không ít gia đình. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Theo hướng dẫn của Thông tư số 41 của liên Bộ Y tế - Tài chính, nhà trường thu tiền đóng BHYT của HSSV 6 tháng hoặc một năm một lần, không có quy định thu một lần 15 tháng. Tuy nhiên, do một số trường chưa nắm được quy định này nên đã thu một lúc 15 tháng. Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ GD&ĐT và Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện BHYT đối với HSSV và sẽ có giải pháp xử lý đối với trường hợp hướng dẫn, triển khai thực hiện không đúng quy định, đồng thời Bộ Y tế cũng sẽ có công văn chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định.

Xin cảm ơn ông!
Ngày 6/8/2015, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội có Công văn số 1656/BHXH-PT về việc hướng dẫn bổ sung BHYT HSSV và CSSKBĐ. Cụ thể, tại mục 1.2 có nêu rõ mức trích hoa hồng đại lý cho nhà trường bằng 4% tổng số tiền thực thu của HSSV. Theo lý giải của một cán bộ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số tiền 4% trích lại cho nhà trường là để phục vụ việc tổ chức thu BHYT. Bản chất của việc này là nhà trường phải có một nguồn kinh phí để đảm bảo cho việc tổ chức thu, in ấn tài liệu, sổ sách theo dõi...