Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không có định nghĩa về "mua dâm đồi trụy"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dự thảo nghị định coi mọi hành vi mua dâm đều bị xử phạt 500.000-1.000.000 đồng là đã đánh đồng mọi đối tượng. "Nếu là nhu cầu chính đáng dù có xử phạt họ vẫn tiếp tục “tái phạm” và ở những lần tiếp sau họ sẽ tìm cách lách luật để không thể xử lý được họ"...

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, không có định nghĩa về "mua dâm đồi trụy" nên đề xuất của Bộ Công an về xử phạt người có hành vi này sẽ khó khả thi.

Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình đang được Bộ Công an lấy ý kiến. Theo đó, người mua dâm sẽ bị phạt 500.000-1 triệu đồng. Với hành vi có tính chất đồi trụy, lôi kéo, ép buộc người khác cùng mua dâm, mức phạt tăng gấp nhiều lần, tới 5-10 triệu đồng.

Theo thạc sĩ luật Phạm Thanh Bình, trong từ điển Tiếng Việt, hành vi đồi trụy là được hiểu là suy đồi, trụy lạc, nghĩa là đi ra ngoài khuôn khổ những gì được xã hội chấp nhận. Nói đến khái niệm “đồi trụy”, người ta thường gắn với các hành vi liên quan hoạt động tình dục nhưng hiện nay khái niệm này thường chỉ dùng với các sản phẩm văn hóa (văn hóa phẩm đồi trụy) như tranh ảnh sex, truyện sex, phim sex....

Ông Bình cho hay, theo khoản 4, Điều 2 Nghị định 178/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, "đồi trụy" được định nghĩa “là sự thể hiện bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng âm thanh lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”.

Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có văn bản nào giải thích cụ thể những hành động, hình ảnh hay âm thanh như thế nào hay đến mức nào được coi là “tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục”.
 
Không có định nghĩa về "mua dâm đồi trụy" - Ảnh 1

Hai nữ sinh viên bị bắt trong đương dây sinh viên bán dâm. Ảnh: H.A
 

Theo ông Bình, mua, bán dâm có tính chất đồi trụy khác với hành vi mua, bán dâm thông thường. "Hành vi này mang tính chất quái dị, ghê tởm, không phù hợp với tự nhiên hoặc nhiều người cùng mua dâm một người; mua bán dâm công khai cho nhiều người cùng xem...", luật sư Bình nói.

Còn theo luật sư Vũ Tiến Vinh (Đoàn luật sư Hà Nội), việc quản lý mua dâm là cần thiết nhưng phải kết hợp nhiều biện pháp chứ không thể chỉ sử dụng các chế tài hành chính hoặc hình sự.

Để quản lý và hạn chế cần phải nhìn nhận mại dâm dưới hai góc độ. Thứ nhất, mại dâm là nhu cầu của xã hội, mang tính sinh học của con người. Trong một số trường hợp, nhu cầu này là chính đáng, mang tính tự nhiên. Thứ hai, cần nhìn nhận là tệ nạn xã hội.

Nếu nhìn nhận mại dâm là nhu cầu của xã hội, chúng ta cần định hướng, tuyên truyền và khuyến khích áp dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn để hạn chế hậu quả cho người tham gia mại dâm cũng như cho xã hội nói chung như việc lây lan các bệnh truyền nhiễm, HIV.

"Việc xử phạt chắc chắn cũng không thể ngăn chặn được việc họ tái phạm. Và như vậy quy định xử phạt rõ ràng là không hiệu quả, lâu dài sẽ trở nên nhờn luật", luật sư Vinh nêu quan điểm.

Còn nếu nhìn nhận ở góc độ mại dâm là tệ nạn, cần thiết phải quản lý và có chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi mại dâm có tính chất bệnh hoạn, trái với phong tục tập quán của chúng ta, xâm hại đến những chuẩn mực đạo đức của một xã hội tiến bộ.

Tuy nhiên, việc đề xuất xử lý hành vi mại dâm như trong Dự thảo nghị định của Bộ Công an bên cạnh những yếu tố tích cực mà dự thảo đã đặt ra như xử lý hành vi mại dâm có tính đồi trụy, tập thể thì dự thảo cũng còn có nhiều điểm bất cập và không khả thi.

Theo ông, dự thảo nghị định coi mọi hành vi mua dâm đều bị xử phạt 500.000-1.000.000 đồng là đã đánh đồng mọi đối tượng. "Nếu là nhu cầu chính đáng dù có xử phạt họ vẫn tiếp tục “tái phạm” và ở những lần tiếp sau họ sẽ tìm cách lách luật để không thể xử lý được họ", ông Vinh phân tích.

Theo luật sư, dự thảo quy định chế tài khá nghiêm khắc đối với hoạt động mại dâm có tính “đồi trụy” nhưng lại không định nghĩa thế nào là đồi trụy, chắc chắn sẽ rất khó khăn trong thực thi. "Giả sử nhà chức trách xác định là đồi trụy nhưng người vi phạm bảo không đồi trụy thì lấy có sở nào để xác định đúng, sai? Nếu người vi phạm khiếu nại thì việc giải quyết khiếu nại thế nào?", ông Vinh nói.

Cũng theo ông, việc quy định hành vi “tái phạm việc mua bán dâm” bị xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng là quá nghiêm khắc và khó có thể thực thi bởi trên cùng địa bàn, có thể biết họ vi phạm lần đầu hay tái phạm nhưng nếu họ vi phạm ở địa bàn khác, cơ quan chức năng không có dữ liệu để xác định.

Góp ý thêm về dự thảo này, nhiều chuyên gia pháp luật khác cũng cho rằng với hành vi “mua bán dâm đồi trụy”, để quy định xử phạt mang tính khả thi, tránh làm khó người dân, các nhà làm luật cần giải thích cụ thể ngay trong dự thảo.