Không có lãng phí trong lắp đặt, thu hồi dải phân cách cứng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian thực hiện phân làn giao thông với việc lắp đặt dải phân cách tại một tuyến phố, Sở GTVT Hà Nội vừa quyết định dỡ bỏ dải phân cách trên một số tuyến.

Sau một thời gian thực hiện phân làn giao thông với việc lắp đặt dải phân cách tại một tuyến phố, Sở GTVT Hà Nội vừa quyết định dỡ bỏ dải phân cách trên một số tuyến. Theo Sở GTVT Hà Nội, do ý thức người dân đã được nâng lên, vì vậy, việc phân luồng cưỡng bức là không còn cần thiết.

 
Dải phân cách trên đường Xã Đàn.                                                   Ảnh: Phạm Hùng
Dải phân cách trên đường Xã Đàn. Ảnh: Phạm Hùng
 Ông Nguyễn Xuân Tân -Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, từ năm 2010, khi triển khai việc lắp đặt dải phân cách cứng để phân làn phương tiện tại một số tuyến như phố Huế, Bà Triệu, Hàng Bài, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Giải Phóng… Sở GTVT đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi, trong đó có ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến lo ngại, cho rằng mất mỹ quan và dễ gây TNGT. "Tuy nhiên, trong tổ chức, điều hành giao thông, giải pháp nào mới, mang tính đột phá thì không thể ngay lập tức nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận. Hơn nữa, không phải tất cả các giải pháp đưa ra đều  tối ưu và khả thi"- ông Nguyễn Xuân Tân cho biết. Mục đích phân làn giao thông ban đầu thực hiện cưỡng bức bằng dải phân cách để người tham gia giao thông đi đúng làn đường, sau đó khi ý thức người dân được nâng lên sẽ thay thế bằng vạch sơn và biển báo giao thông. Thực tế, việc phân làn phương tiện đã phát huy hiệu quả trong việc giảm ùn tắc và TNGT. Cụ thể, trước khi lắp đặt dải phân cách cứng trên một số tuyến phố như Phố Huế, Bà Triệu, Hàng Bài, mỗi năm tối thiểu xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng gây chết người. Song từ năm 2010 đến nay (thời điểm lắp dải phân cách), chưa có vụ TNGT nghiêm trọng nào xảy ra trên các tuyến phố này. Bên cạnh đó, ý thức người tham gia giao thông trên những tuyến phố đã được cải thiện rõ rệt, người dân đã tự giác đi vào đúng làn đường của mình, tình trạng ô tô lấn làn xe máy, xe máy đi vào làn đường ô tô đã được hạn chế. "Vì vậy, Sở GTVT thực hiện thu hồi dải phân cách cưỡng bức và sơn kẻ, lắp đặt lại các biển báo và tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về việc lấn làn đường trên các tuyến phố này" - ông Nguyễn Xuân Tân nói.

Về số kinh phí 24 tỷ đồng chi cho công tác thực hiện phân luồng cưỡng bức, ông Nguyễn Xuân Tân khẳng định, không có dự án phân làn giao thông nào kinh phí 24 tỷ đồng. Việc phân làn phương tiện thực chất chỉ chi vào nhân công lao động di chuyển bục bệ và được lấy từ kinh phí duy trì, tổ chức giao thông hàng năm của TP. Còn những mũi tên phản quang, vỉa ba toa sau khi được thu hồi sẽ được lắp đặt tại các tuyến phố khác mà tình hình giao thông còn lộn xộn. Trong đó, ưu tiên cho những tuyến phố xuyên tâm, giao cắt Vành đai 3 có mật độ tham gia giao thông đông đúc, diện tích mặt đường đủ lớn để lắp đặt dải phân cách cứng. Vì vậy, không có sự lãng phí trong việc lắp đặt và thu hồi các dải phân cách cứng này. Ông Nguyễn Xuân Tân cho biết thêm, TP sẽ tiếp tục duy trì chủ trương phân làn phương tiện để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông theo hướng kiên trì bền bỉ, lâu dài chứ không "đánh trống bỏ dùi".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần