Việc giáo dục HS chưa ngoan là vấn đề nan giải không chỉ đối với ngành giáo dục mà ngay cả nhiều phụ huynh cũng cảm thấy bất lực với con mình. Song “căn bệnh” này có thể chữa được bằng toa thuốc “yêu thương” từ sự kiên trì, nỗ lực của những bác sĩ “chở đò”. Tôi cho rằng, chẳng có đứa trẻ nào hư cả, chỉ có người lớn nhìn nhận sai về chúng và không hiểu chúng. Cách đây 4 năm, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 12A4. Trước khi nhận lớp, tôi đã biết lớp này có rất nhiều “phần tử nổi cộm”. Ngay đầu năm học đã có 9 HS không đi học, hỏi thì các con nói: “Không nhớ lịch, không được thông báo”, tôi thực sự lo lắng. Nhưng hoảng hơn khi nhận ra một HS tên Trung rất bướng bỉnh, bất chấp nội quy của trường, thường xuyên đánh nhau khi đá bóng, không bao giờ ghi bài nếu không phải là môn học con thích... Mẹ Trung nhiều lần khóc và tâm sự với tôi về con và mong tôi uốn nắn con giúp vì chị thực sự bất lực với con. Đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc với Trung, có nhiều khi muốn đưa Trung ra hội đồng kỷ luật, nhưng rồi ý nghĩ đó lại tắt đi khi nhìn thấy ánh mắt của con, đọc những dòng tâm sự của con trên Facebook, nghĩ tới đứa trẻ thiếu tình thương của bố... Tôi đã kiên trì tìm hiểu, gần gũi Trung nhiều hơn, giải thích và giúp cậu bé giải quyết những khó khăn, khúc mắc mỗi khi gặp phải... Và tôi đã cảm hóa được Trung trở thành trò ngoan bằng sự khoan dung, yêu thương chân thành. Đến nay, Trung đã là sinh viên Đại học FPT, khoa Kỹ thuật phần mềm. Trung đã trưởng thành, đã yêu thương mẹ hơn, không còn hận bố. Tôi nhận ra một điều, sẽ chẳng có đứa trẻ nào hư cả, chỉ có người lớn đang có cách nghĩ, cách nhìn nhận sai về chúng và không hiểu chúng muốn gì. Theo tôi, giáo dục HS chưa ngoan, người giáo viên phải biết áp dụng nhiều biện pháp khác nhau. Tài cảm hóa của người giáo viên là “bắt trúng bệnh”, từ đó chọn “thuốc” cho phù hợp.