Trong đó, vấn đề phí chồng lên phí được các đại biểu (ĐB) "xoáy" sâu và mong muốn làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhập nhằng phí - giá
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về liệu có hay không sự tương xứng giữa chất lượng phục vụ và phí, ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đặt vấn đề: Hiện, tình trạng lạm thu phí và lệ phí diễn ra phổ biến. Nhiều loại phí không phù hợp nhưng không được bãi bỏ kịp thời, gây gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết: Cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng cung cấp có tương xứng với phí phải nộp không, đã phát hiện, xử lý thế nào và đã xử lý chưa?
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cũng cho rằng: Theo thống kê, có đến hàng trăm loại phí “đè” lên người dân. Trong đó, bên cạnh những khoản phí được pháp luật quy định, nhiều bộ, ngành, địa phương còn tự đặt ra nhiều khoản phí và lệ phí.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ giải thích: Danh mục phí và lệ phí đã được Chính phủ phê duyệt có 301 khoản phí và lệ phí. Bộ có nhận được thông tin một số địa phương có khoản thu mang tính xã hội
như quỹ thiên tai, an ninh… nhưng lại ghi dưới dạng phí, lệ phí. Đây là những khoản đóng góp tự nguyện, không phải phí và lệ phí… Hàng năm, Bộ đều đề nghị các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh và đã rà soát, bãi bỏ 340 khoản phí, lệ phí không đúng quy định.
Trả lời câu hỏi của nhiều ĐB khác về những loại phí được quy định ở văn bản chuyên ngành như phí chung cư, phí thanh toán chuyển tiền tại các tổ chức tín dụng…, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây là những khoản ở dạng giá dịch vụ, nhưng thông thường vẫn được gọi là phí. “Hiện đang có sự hiểu lầm. Do đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu khoản nào là phí, khoản nào là dịch vụ, khảo nào là đóng góp tự nguyện" - Bộ trưởng Dũng nói.
Dù đã có những giải thích, song các ĐB Quốc hội vẫn đề nghị Bộ trưởng phải làm rõ hơn về trách nhiệm quản lý. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn, chính từ câu nói của Bộ trưởng là dân đang có sự nhầm lẫn, không hiểu đâu là phí, đâu là giá dịch vụ. Cũng từ đây, nhiều tổ chức đã lợi dụng đánh đồng vào phí khiến người dân phải chịu. Như tiền trông giữ xe, có khi rất nhỏ, nhưng có khi thu đến hàng trăm ngàn, người dân cứ tưởng việc thu này là có quy định. "Để người dân biết rành mạch cái nào là phí, cái nào là giá thuộc trách nhiệm của chúng ta" - ông Hiển nhấn mạnh.
Có không phí chồng phí?
Dẫn ra những con số thống kê của Bộ Tài chính, ĐB Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) chất vấn: Dù đã có một số chuyển biến, nhưng người dân, doanh nghiệp lại cảm thấy liên tục phải nộp thêm các loại phí mới. Vậy Bộ trưởng giải thích thế nào? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình, những con số giảm là do phí xăng dầu chuyển thành thuế bảo vệ môi trường (giảm 10.000 tỷ đồng); một số phí chuyển sang cơ chế giá và do kinh tế trầm lắng, nên thu phí cũng giảm theo.
Quanh việc phí chồng phí, nhiều ĐB đã đưa ra vấn đề phí bảo trì đường bộ. Theo ĐB Đinh Văn Nhã (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách), cùng với việc nộp quỹ bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện, sắp tới, Bộ GTVT lại dựng lên nhiều trạm thu phí theo hình thức BOT, vậy những xe đã nộp tiền phí sử dụng đường bộ rồi, nhưng vẫn phải đi qua các vùng có các trạm thu phí, coi như bị thu phí lần thứ hai, vậy có hợp lý không? Giải thích cho vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Không có chuyện phí chồng phí. Bởi, phí bảo trì đường bộ thu chỉ để duy trì cho những đoạn đường không phải là BOT.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các bộ mới chỉ nói đến những khoản phí trong danh mục, chưa nói được những khoản phát sinh bên ngoài khiến người dân bức xúc vì "phí chồng phí". Chức năng thanh tra, kiểm tra cũng chưa được xem trọng, kịp thời, nếu không nói là các cơ quan quản lý Nhà nước mới chú trọng vào ban hành chính sách, chưa lưu ý đến vấn đề thực thi.
Bãi trông giữ xe tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: Linh Anh
|
Số thu từ phí, lệ phí đạt 102.352 tỷ đồng Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2013 số thu từ phí, lệ phí (bao gồm cả T.Ư, địa phương và phí do doanh nghiệp thu) là 102.352 tỷ đồng. Trong đó, năm 2011 là 42.023 tỷ đồng (bằng 5,8% tổng thu ngân sách); Năm 2012: 29.112 tỷ đồng (bằng 3,9% tổng thu ngân sách); Năm 2013: 31.271 tỷ đồng (bằng 3,8% tổng thu ngân sách). Bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực tế 10 năm thực hiện Pháp lệnh phí, lệ phí, đã phát sinh một số tồn tại, vướng mắc cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung. (Trâm Anh) |