Không có vùng cấm trong xử lý cán bộ toà án tiêu cực, tham nhũng

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Quan điểm của TAND tối cao là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không bao che với những trường hợp tiêu cực, tham nhũng. Từ năm 2021 đến nay có 106 trường hợp cán bộ, công chức ngành toán đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực.  

Sáng 20/3, tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban TVQH tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn sáng 20/3 (ảnh: Quochoi.vn)
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn sáng 20/3 (ảnh: Quochoi.vn)

Ở phần tranh luận, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn ĐB quốc hội tỉnh Bình Phước) nêu rõ: Phiên tòa trực tuyến là một nền tảng pháp lý bước đầu cho việc triển khai thực hiện Tòa án điện tử. Tuy nhiên, việc xét xử trực tuyến là một phương thức mới, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định hoặc nếu có quy định cũng chưa đầy đủ dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng trong tổ chức triển khai. Đại biểu đề nghị Chánh án TAND tối cao cho biết giải pháp trong thời gian tới để triển khai phiên toà trực tuyến được đồng bộ hơn?.

Đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn theo hình thức trực tuyến
Đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn theo hình thức trực tuyến

Trả lời vấn đề này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: TAND tối cao đã có phiên toà mẫu xét xử trực tuyến cho các địa phương tham khảo, những ngày đầu còn lúng túng giờ đã thành thục hơn. "Về việc phối hợp với các cơ quan, không chỉ toà án cần tập huấn mà các cơ quan khác như Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra cũng cần tập huấn để nâng cao trách nhiệm, kỹ năng điều hành xét xử trực tuyến".

Đối với phương thức điện tử của toà án điện tử, Nghị quyết 33 của Quốc hội chỉ giới hạn trong chừng mực nhất định các vụ án đưa ra xét xử chứ chưa đưa ra đặt ra câu chuyện phải có chuyển biến ngay. Các nước có toà án điện tử thì có luật riêng về toà án điện tử và các quy định kèm theo. Tuy nhiên, Việt Nam giờ mới chỉ là ban đầu nên cần thận trọng và triển khai từng bước toà án điện tử.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, trong những năm qua, mặc dù ngành tòa án đã triển khai thực hiện nhiều quy định về phòng ngừa và xử lý tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ ngành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều cán bộ, thẩm phán vi phạm pháp luật. Theo báo cáo của TAND tối cao, từ năm 2021 đến nay có 106 trường hợp cán bộ, công chức ngành toán đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực. 

Đại biểu đề nghị Chánh án TAND tối cao làm rõ những giải pháp căn cơ về công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của ngành TAND dân trong thời gian tới?

Đại biểu tham gia chất vấn theo hình thức trực tuyến
Đại biểu tham gia chất vấn theo hình thức trực tuyến

Trả lời nội dung này, Chánh án TAND tối cao cho biết: Quan điểm của TAND tối cao là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không bao che nên từ năm 2021 đã xử lý một số cán bộ theo hình thức kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự. Để phòng ngừa tiêu cực trong đội ngũ cán bộ toà án TAND tối cao đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tăng cường thanh kiểm tra thực tế thường xuyên hằng năm; tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, trách nhiệm cho thẩm phán thông Bộ Quy tắc đạo đức thẩm phán và đưa vào được giảng dạy trong trường Đại học Luật, hệ thống đại học toà án. Những trường hợp vi phạm được phát hiện sẽ chủ động chuyển cho cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Chánh án TAND tối cao cũng ban hành quy định 120 về xử lý vi phạm của thẩm phán. Quy định này rất nghiêm, thậm chí vượt quá yêu cầu của Quốc hội. Ví dụ Quốc hội cho phép hệ thống toà án được huỷ sửa giảm 1,5% số vụ án nhưng TAND tối cao chỉ cho phép 1,16%, thấp hơn tỉ lệ của Quốc hội, nếu ai vượt quá tỉ lệ này sẽ không được tái bổ nhiệm.

Để nâng cao chất lượng thẩm phán thì TAND tối cao chỉ tuyển sinh viên trong trường toà án mà không tuyển sinh viên ngoài do biên chế toà án là 15.500 người, mỗi năm có khoảng 700-800 người nghỉ (khoảng 4,5%) và phải tuyển số lượng tương ứng để bù đắp cho hao hụt tự nhiên. Học viện Toà án mỗi năm tuyển không quá 300 sinh viên, còn hơn 400 người phải tuyển từ khác trường khác nhau. Khi tuyển ưu tiên tuyển sinh viên giỏi, xuất sắc. Việc này không làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển dụng cũng như quyền lợi của sinh viên các trường đại học khác khi có nguyện vọng vào công tác toà án.

Quang cảnh phiên chất vấn tại Hội trường 
Quang cảnh phiên chất vấn tại Hội trường 

Đại biểu Hoàng Văn Liên (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Long An) đặt câu hỏi: Trong báo cáo của TAND tối cao gửi Quốc hội có nêu, tỉ lệ giải quyết đơn tuyên bố phá sản doanh nghiệp chưa cao, đề nghị Chánh án cho biết nguyên nhân và giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng, xét xử phá sản của chúng ta đang có vấn đề. Hiện quy định của chúng ta khác nhiều nước trên thế giới, có nước gọi là phá sản; có nước coi đó là quá trình phục hồi của doanh nghiệp nên gọi là Luật phá sản và phục hồi.

Các nước không coi đó thuần tuý là phá sản mà coi phá sản sự kết thúc một doanh nghiệp thua lỗ như một sự hồi sinh mới, cơ cấu kinh tế mới còn Việt Nam coi là phá sản hết sức nghiêm trọng nên luật quy định ngặt nghèo về trình tự phá sản (điều kiện mở thủ tục, đóng kinh phí khi phá sản). Doanh nghiệp đã hết tiền rồi còn phải đóng tiền phá sản nên quy định còn bất cập.

Hiện tỷ lệ giải quyết đơn tuyên bố phá sản chưa cao, theo Chánh án TAND tối cao nguyên nhân chủ quan do chưa kinh nghiệm xét xử các cụ án phả sán của thẩm phán giỏi chưa nhiều. Để khắc phục, TAND tối cao đề xuất Quốc hội sửa Luật phá sản để tháo gỡ khó khăn. Cùng đó, nâng cao trình độ thẩm phán xét xử phá sản.

"Đây là toà án riêng biệt cần có chuyên môn sâu nên trong Luật sửa đổi luật tổ chức sắp tới chúng tôi đề nghị cho phép hình thành toà phà sản chuyên biệt ở trung tâm kinh tế lớn chuyên xét xử phá sản, như vậy sẽ nâng cao hơn chuyên môn, chất lượng xét xử phá sản"- Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.