Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã rất quyết liệt trong công tác đảm bảo ATTP nhưng vẫn còn vô vàn những khó khăn, thách thức.

Vì vậy, công tác này cần phải tăng cường hơn, từ cấp cơ sở đến TP. Đây là nội dung hội nghị về đảm bảo ATTP trên địa bàn Hà Nội do UBND TP Hà Nội tổ chức sáng 8/9. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã chỉ đạo hội nghị.

Kỷ lục thanh, kiểm tra

Năm 2016 được coi là năm đột phá về quản lý, giám sát ATTP. Chưa bao giờ, công tác này lại được coi trọng đến vậy,  Hà Nội đã vào cuộc rất quyết liệt. Một con số kỷ lục với 1.440 đoàn thanh, kiểm tra được thành lập, 77.388 lượt cơ sở được kiểm tra. Bên cạnh đó, số cơ sở được phát hiện vi phạm ATTP  lớn nhất từ trước đến nay với 12.371 cơ sở, 4.100 cơ sở bị phạt tiền và số tiền phạt cũng kỷ lục: hơn  22,6 tỷ đồng. Các đoàn thanh, kiểm tra đã chuyển xử lý hình sự 3 vụ, xử lý hàng nghìn sản phẩm không đảm bảo ATTP.
Sản xuất bánh Trung thu tại một cơ sở ở xã La Phù, huyện Hoài Đức. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất bánh Trung thu tại một cơ sở ở xã La Phù, huyện Hoài Đức. Ảnh: Phạm Hùng
Đánh giá về công tác này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, Hà Nội đã thực hiện tốt sự phối hợp liên ngành về quản lý ATTP. Bên cạnh đó, duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm về Hà Nội, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Điểm mới và nổi bật trong công tác thanh, kiểm tra năm nay là thực hiện hiệu quả thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường, thị trấn. TP cũng đã thành lập 5 đoàn cơ động kiểm tra liên ngành, đáp ứng nhanh với việc kiểm tra đột xuất, xử lý thông tin báo chí nêu và người dân phản ánh và các điểm nóng bức xúc về ATTP.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của TP cũng như 30 quận, huyện, 584 xã, phường, công tác kiểm soát ATTP có nhiều chuyển biến tích cực. Điều đáng ghi nhận, từ đầu năm đến nay, Hà Nội chưa để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, chưa có trường hợp tử vong vì ngộ độc thực phẩm.

Mạnh tay xử lý vi phạm
Không chấp nhận lãnh đạo “đút chân gầm bàn” và nghe báo cáo

Hà Nội sẽ nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP đồng loạt tại 30quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn, không chỉ làm thí điểm tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường như hiện nay. Yêu cầu Sở Y tế là cơ quan thường trực, hướng dẫn để các quận, huyện, xã, phường triển khai. Mỗi xã, phường, thị trấn phải cử được một người chuyên trách về ATTP. Đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện, mỗi tuần ít nhất một lần phải đi kiểm tra ATTP, không thể chấp nhận chuyện lãnh đạo “đút chân gầm bàn” và nghe báo cáo.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, công tác quản lý ATTP còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP từ các tỉnh khác vào Hà Nội tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn ra trên địa bàn. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ, quả kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các quận, huyện, xã, phường thiếu cán bộ chuyên trách về ATTP.

Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân rất lớn. Trong khi sản xuất nông nghiệp của Hà Nội hiện nay mới chỉ đáp ứng được 69% nhu cầu thịt gia súc, gia cầm các loại, 19% sữa, 60% rau, củ tuơi và 18% quả tươi... Số còn lại được nhập khẩu và cung cấp từ các tỉnh khác. Tuy nhiên, đáng lo ngại, vấn đề kiểm soát thực phẩm về Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý, kiểm tra chuyên môn tại các chợ đầu mối, chợ đấu giá, chợ dân sinh vẫn chưa rõ trách nhiệm. Vì vậy, ông Đăng đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế, Công Thương hướng dẫn cụ thể và phân rõ rách nhiệm. Sở NN&PTNT cũng kiến nghị UBND TP tạo điều kiện về đất đai đối với các DN trong và ngoài nước xây dựng chợ đầu mối, chợ đấu giá nông, lâm, thủy sản và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản phẩm được giám sát chặt chẽ, đảm bảo ATTP.

Để đẩy mạnh công tác bảo đảm ATTP, Phó Chủ tịch UNBD TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, TP sẽ biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đồng thời, kiên quyết phê phán và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước về ATTP. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm ATTP.  Ngoài ra, các sở, ngành, quận huyện cần phối hợp để quản lý tốt ATTP trong trường học. Yêu cầu tất cả trường học phải mua rau, thực phẩm của các cơ sở an toàn, được cấp chứng nhận ATTP, không thể có chuyện ham rẻ để các cháu sử dụng thực phẩm không đảm bảo. Hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Trường nào vi phạm phải xử lý ngay, xử lý mạnh tay, không có “vùng cấm” trong xử lý ATTP.