Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không còn giấy phép lái xe hạng B2, A2, A3, liệu có phải đổi bằng?

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ, sắp tới sẽ không còn giấy phép lái xe hạng B2, A2, A3… Thắc mắc liệu có phải đổi bằng sẽ được trả lời trong bài viết.

Điều 56 dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định giấy phép lái xe bao gồm các hạng sau:

Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh đến 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11kw;

Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh trên 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11kw và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ; xe ô tô tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc đến750 kg;

Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500-7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B;

Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải, máy kéo có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1;

Hạng D1 cấp cho người lái xe điều khiển ô tô chở người từ 10-16 chỗ; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C;

Hạng D2 cấp cho người lái xe điều khiển ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 16 chỗ đến 30 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1;…

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Về thời hạn của giấy phép lái xe, Dự thảo Luật nêu rõ, giấy phép lái xe các hạng A1, A, B1 không thời hạn; Giấy phép lái xe hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp; Giấy phép lái xe các hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Theo đó, giấy phép lái xe được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên Giấy phép lái xe.

Giấy phép lái xe được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu chưa thực hiện đổi, cấp lại có hiệu lực sử dụng như sau: giấy phép lái xe hạng A2 được tiếp tục điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên hoặc có công suất động cơ điện từ 14kw trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

Giấy phép lái xe hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe được tiếp tục điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ của người lái xe); xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg.

Như vậy, việc cấp GPLX theo hạng mới này sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu và cho những GPLX thuộc các trường hợp cấp đổi, cấp lại. Điều khoản chuyển tiếp sẽ quy định GPLX cấp trước khi luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng theo thời hạn và giá trị ghi trên GPLX.