Không còn “so bó đũa chọn cột cờ”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chất lượng các tác phẩm tương đối tốt và phong phú" - đó là đánh giá của Hội đồng chung khảo về mùa mới của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thủ đô.

Với 28 tác phẩm được lựa chọn trao giải, giải thưởng năm 2014 này phần nào ghi nhận những nỗ lực của giới văn nghệ sĩ Thủ đô trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều biến động.

“Dư” tác phẩm để chọn

28 tác phẩm, công trình đoạt giải "chia đều" cho cả 9 hội chuyên ngành trực thuộc Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội. Trong đó, Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa có số tác phẩm đoạt giải nhiều nhất (mỗi lĩnh vực có 4 tác phẩm). So với "giới hạn" số lượng tác phẩm trao giải là 18 - 25, thì giải thưởng năm nay vượt quá 3 tác phẩm. Sở dĩ có sự "vượt quá" số lượng giải thưởng là vì bắt đầu từ năm 2012, sau khi được khôi phục, Giải thưởng VHNT Thủ đô được tổ chức 2 năm/lần (thay vì một năm/lần). Khoảng thời gian lùi thêm này khiến Hội đồng giám khảo "dư dật" tác phẩm để lựa chọn và chất lượng của giải thưởng cũng được nâng cao hơn khi không còn phải "so bó đũa chọn cột cờ".

 
“Ô Quan Chưởng một thoáng nét xưa” - Tác phẩm ảnh đoạt giải.
“Ô Quan Chưởng một thoáng nét xưa” - Tác phẩm ảnh đoạt giải.
Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cho biết, các tác phẩm được đề cử trao giải đều được hội chuyên ngành lựa chọn kỹ. Tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh đa số được chọn từ các triển lãm nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô trong 2 năm qua. Các tác phẩm sân khấu, múa thì đều được đánh giá cao trong các hội diễn toàn quốc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật như: Vở chèo "Vương nữ Mê Linh", vở kịch nói "Điệp khúc virus", vở rối "Bí ẩn 2/3", cuộc thi múa về đề tài Thăng Long - Hà Nội và đề tài biển đảo lần thứ IV - 2014…

Những điểm sáng

Nhiều tác phẩm trong số này hội tụ chất xám của tập thể văn nghệ sĩ Hà Nội. Điển hình là tập nghiên cứu, sưu tầm "Dấu xưa chuyện cũ Thăng Long, Hà Nội" - thành quả của các hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội. Qua hơn 100 câu chuyện kể về những dấu tích hiện vẫn còn hay đã mai một, những sự kiện và con người bằng xương, bằng thịt của Thăng Long - Hà Nội đã được dân gian hóa, huyền thoại hóa, trở thành niềm tự hào không chỉ của Hà Nội, cuốn sách góp phần làm dày thêm kho di sản văn hóa vô giá của mảnh đất Hà thành. Đây là một công trình dày tâm sức của những người nghiên cứu văn nghệ dân gian, mà như PGS.TS Đỗ Thị Hảo - Chủ biên cuốn sách chia sẻ: "Các hội viên đã sưu tầm, biên soạn, tìm tòi từ trong các thư tịch cổ (như "Lĩnh Nam chích quái", "Truyền kỳ mạn lục", "Vũ trung tùy bút"…), nhưng cơ bản vẫn là sưu tầm trong dân chúng từ tất cả các quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Một trăm câu chuyện là một trăm trạng huống, một trăm tình tiết về những sự kiện diễn ra trên đất Thăng Long, về những con người Thăng Long trong suốt tiến trình lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Có rất nhiều câu chuyện mới được sưu tầm và công bố lần đầu". Hay các công trình của nhóm tác giả Hội Kiến trúc sư Hà Nội cũng thể hiện được cái nhìn xuyên suốt đối với đô thị hiện đại và nhà ở dân gian truyền thống. Ngay cả các tác phẩm đoạt giải của cá nhân cũng là những công trình mang đầy giá trị đối với đất và người Thăng Long - Hà Nội (tập sách "Những ký họa kiến trúc" của KTS Lê Văn Lân, "Con đường tiếp cận lịch sử" của GS Trần Lâm Biền…). 

Đáng nói hơn là sau bao năm lặng lẽ, giải thưởng năm nay lại ghi nhận sự khởi sắc của lĩnh vực lý luận phê bình văn học. Nếu như "Mùi chữ" (Nguyễn Hoài Nam) thể hiện sự nhanh nhạy khi phát hiện các vấn đề nóng của văn học đương đại, thì "Thời của tốc độ và tâm lý sáng tạo" (Phạm Khải) lại đi sâu vào những vấn đề học thuật của văn chương. Phải khẳng định đây là một niềm vui, vì thể loại được xem là nói thẳng, nói thật này không dễ để nên hình hài cũng như thuyết phục được người đọc. Và trong hành trình đi về phía trước, văn học không thể thiếu tiếng nói định hướng, thậm chí là những "cái can ngăn" hợp lý để có thể đi đúng đường. Dù năm nay, mảng thơ bị "khuyết" trong giải thưởng, song người quan tâm đến VHNT không buồn, vì đó là một sự khảng khái và công bằng khi đánh giá "các tác phẩm chưa đủ chất lượng để trao giải". 

Đầu tháng 1/2015, Hội VHNT Hà Nội sẽ tổ chức lễ trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả. Song nhìn vào danh mục giải thưởng năm nay, người ta đã thấy những điểm sáng của VHNT Thủ đô để mừng và hy vọng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần