Nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóaĐại diện của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 khiến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, giá dịch vụ logistic tăng mạnh khiến hàng hóa, nông sản tăng giá, ùn ứ không tiêu thụ được ở nhiều địa phương. Đồng tình với phản ánh này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ, trong thời gian qua mặc dù ngành giao thông vận tải, công thương đã có nhiều văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, ách tắc... Tuy nhiên việc vận chuyển hàng hóa, vật tư, sản phẩm ra vào khu vực sản xuất vẫn gặp khó khăn tại các huyện, xã, thôn, bản. Việc hướng dẫn di chuyển, đi lại cho người lao động tại một số địa phương còn chưa sát thực tế… gây khó khăn cho lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ lái xe chở hàng hóa tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 giữa Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Phạm Hùng |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phản ánh, quá trình hỗ trợ DN lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của Nhân dân, vật tư phục vụ sản xuất cho thấy vẫn còn tình trạng một số địa phương ban hành các “giấy phép con” trái với Chỉ đạo của Chính phủ làm cản trở việc lưu thông hàng hóa trên toàn quốc. Trước những vướng mắc trong hoạt động lưu thông hàng hóa trong dịch Covid-19, các DN kiến nghị cần tìm hướng giải quyết ùn ứ, làm thông suốt hàng hóa thiết yếu. Bên cạnh đó hỗ trợ về thuế, phí qua đó giúp DN duy trì sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, không bị mất đơn hàng, hạn chế thấp nhất tình trạng DN phải phá sản do Covid-19.
Tháo gỡ ách tắc trong vận chuyểnTrước những kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa của các DN, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang nêu rõ, Bộ GTVT đã chỉ đạo Sở GTVT địa phương hướng dẫn, tổ chức thực hiện hoạt động vận tải lưu thông hàng hóa thông suốt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của Nhân dân, DN sản xuất.
“Đề nghị Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành tạo thuận lợi trong vận chuyển tiêu thụ nông sản, nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu và đời sống Nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19” - ông Sang nêu rõ.Đồng tình với ý kiến của Bộ GTVT, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, nhằm hỗ trợ DN vận chuyển, lưu thông hàng nông sản, thời gian qua TP Hà Nội đã ban hành các văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ tối đa trong hoạt động vận chuyển hàng hóa của Hà Nội và các tỉnh, thành phố lưu thông trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời thường xuyên nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN sản xuất, phân phối trên địa bàn thành phố về vận chuyển hàng hóa, từ đó để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt.
“Trong thời gian tới song hành với các biện pháp hỗ trợ sản xuất hiệu quả TP Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện chở hàng hóa được lưu thông thuận lợi trên địa bàn, qua đó cung ứng cho thị trường Hà Nội, các tỉnh, thành và hoạt động xuất khẩu” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định.Khẳng định vai trò của địa phương là quyết định, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép, gây khó khăn, cản trở lưu thông nhưng phải bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua hệ thống lưu thông hàng hóa. UBND các tỉnh, thành phối hợp với các cơ quan chuyên môn, DN xây dựng phương án phục hồi sản xuất; Rà soát tổng thể công tác tái đàn, tái sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, các địa phương, các đơn vị, bộ, ngành cần sớm có hướng dẫn, hỗ trợ tài chính, vay vốn, tạo điều kiện cho các DN, hợp tác xã... thu mua, chế biến, bảo quản nông sản, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông trong lĩnh vực nông nghiệp.
"Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu bảo đảm không đứt gãy trong sản xuất, lưu thông. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có địa phương, có thời điểm, đã vận dụng máy móc, dẫn tới ách tắc." - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. "Thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục phát triển các hệ thống phân phối, phát triển các chuỗi, hạ tầng thương mại điện tử, hệ thống logistic... qua đó hỗ trợ các DN tiêu thụ sản phẩm bền vững, giảm chi phí, kiềm chế lạm phát. Đồng thời đảm bảo điều phối cung ứng hàng hóa, điều tiết nguồn cung, không để đứt gãy chuỗi cung ứng." - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền |