KTĐT - Thảo luận tại hội trường về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông, sáng 20/11, đa số ĐB Quốc hội đề nghị thông qua nghị quyết về Đề án này ngay cuối Kỳ họp, vì CT, SGK hiện hành khiến học sinh rất vất vả, khó khăn trong quá trình tự học, và nêu quan điểm giáo dục phải nâng tầm hiểu biết của con người chứ không phải đơn thuần truyền đạt kiến thức.
Liên quan đến nội dung Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK để đảm bảo triển khai CT mới cũng có ý kiến trái chiều. Theo các ĐB Trần Minh Diệu (đoàn Quảng Bình), Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP Hồ
Chí Minh), quy định chưa thuyết phục và mâu thuẫn với chủ trương xã hội hóa của Đề án. Bộ không nên biên soạn SGK, mà chỉ nên tập trung thiết kế CT chuẩn. Đồng thời thẩm định, cân đối nguồn lực Nhà nước để thực hiện SGK mới, tạo điều kiện xã hội hóa SGK. Ngược lại, cũng có nhiều ĐB Quốc hội tán thành nhưng đề nghị phải đảm bảo công bằng giữa SGK của Bộ GD&ĐT và các nhóm khác.
Lý giải việc Bộ GD&ĐT đề xuất Bộ biên soạn SGK, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác làm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: Với cách làm mới, dự báo sẽ có 2 khả năng xảy ra. Một là xã hội hóa thì sẽ có nhiều nhóm tập thể biên soạn, nhiều sách để lựa chọn. Thứ hai là chưa có nhiều người sẵn sàng viết sách, hoặc sách viết ra không đáp ứng yêu cầu, không kịp thời gian. Vì vậy, để chủ động với bất cứ tình huống nào xảy ra, việc Chính phủ chọn phương án Bộ làm một bộ SGK là tính toán thận trọng và cần thiết. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, không có cục bộ, lợi ích nhóm vì Bộ GD&ĐT chưa bao giờ trực tiếp viết SGK. Trong lần làm sách này, danh sách Hội đồng thẩm định phải được báo cáo Hội đồng phát triển nhân lực quốc gia, Ủy ban quốc gia về đổi mới GD&ĐT và do Thủ tướng quyết định.
Một số ĐB đề nghị phải thay đổi CT đào tạo giáo viên hiện nay của các trường sư phạm, vì đây là yếu tố quyết định để thực hiện thành công việc đổi mới CT, SGK. Ngoài ra, các ĐB cũng cảnh báo cần cẩn trọng trong thí điểm CT, SGK mới, vì học sinh không phải là vật mẫu trong phòng thí nghiệm. ĐB Ngô Đức Mạnh (đoàn Bình Thuận) cho rằng: Cần đánh giá một cách tổng thể những bài học căn cơ trong thực hiện giáo dục phổ thông hiện hành. Để những gì còn thiết thực của CT, SGK cũ thì cần phải giữ lại, không cần thiết phải làm mới hoàn toàn.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận: "Cơ sở vật chất của nhà trường đã được cải thiện đáng kể nhưng còn bất cập ở vùng sâu, vùng xa". Tuy nhiên, để đổi mới căn bản giáo dục, Chính phủ hiện đang có đến 18 đề án khác nhau, trong đó có đề án về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, đổi mới trường sư phạm.
Tuy nhiên, các ĐB vẫn lưu ý: GD&ĐT là lĩnh vực rất cần nhìn xa trông rộng. Nếu không đủ cơ sở để bàn bạc kỹ sẽ rơi vào tình trạng duy ý chí, thiếu tính khả thi và 5, 10 năm sau lại trở lại từ đầu. Hơn nữa, nếu không cải thiện được tình trạng sĩ số 50, 60 học sinh/lớp ở TP và tình trạng trường lớp xập xệ ở vùng sâu, vùng xa thì khó có thể nói đến thành công của CT, SGK mới.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận giải trình làm rõ về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ảnh: TTXVN |
CT, SGK phải thống nhất một nguyên tắc là nâng cao chất lượng và kỹ năng cho học sinh, tránh tình trạng cắt khúc giữa các cấp học như hiện nay. Bộ cần có một đề án lớn để đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên và coi đây là điều kiện quan trọng nhất để đổi mới giáo dục. ĐB Phạm Thị Hồng Nga (đoàn Hà Nội) Có một câu hỏi đặt ra là CT hiện hành cũng đưa ra mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh nhưng vì sao không đạt được yêu cầu? Tôi cho rằng, để CT, SGK mới thực hiện được mục tiêu đúng đắn như đã đề ra thì Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ GD&ĐT cần trả lời câu hỏi này để làm rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp phù hợp. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) |