Không đáng lo ngại việc tăng 22.000 học sinh lớp 6

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học 2014-2015, toàn TP Hà Nội có 108.603 học sinh vào học lớp 6 (tăng 22.000 học sinh so với năm học trước). Theo Sở GD-ĐT Hà Nội việc học sinh lớp 6 năm nay tăng nhưng không đáng lo ngại, không ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.

Năm học 2014-2015, toàn TP Hà Nội có 108.603 học sinh vào học lớp 6 (tăng 22.000 học sinh so với năm học trước). Trước thềm năm học mới, để bảo đảm đủ lớp học cho học sinh các cấp, nhất là học sinh đầu cấp THCS, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án tuyển sinh, có kế hoạch phân tuyến tuyển sinh hợp lý, nhất là những “điểm nóng” ở các quận nội thành có đông học sinh theo học.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Năm học 2014-2015, tuyển sinh vào lớp 6 đối với các trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội vẫn giữ hình thức xét tuyển như các năm trước. Để tránh sự quá tải đối với các cơ sở giáo dục có “tiếng”, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố phải bảo đảm công tác “bốn rõ”: Rõ tuyến, rõ thời gian, rõ chỉ tiêu và rõ phương thức tuyển sinh.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sở dĩ năm học 2014-2015 học sinh vào lớp 6 tăng mạnh so với năm học trước là do năm 2003 có nhiều gia đình chọn năm này để sinh con. Các năm học trước đây, ở lớp 6 luôn duy trì bình quân khoảng hơn 80.000 học sinh, bình quân 36 em/lớp.

Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Năm nay, các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên được coi là “điểm nóng” vì học sinh lớp 6 tăng mạnh. Về chuyện này, Sở GD-ĐT Hà Nội đã biết cách đây 10 năm nên đã có nhiều giải pháp khắc phục.

Thực tế cho thấy, trước đây người dân sinh sống chủ yếu ở những khu nhà thấp tầng, thì nay các khu đó được cải tạo, xây mới thành chung cư cao tầng, khu đô thị mới, dẫn tới dân số tăng đột biến. Bên cạnh đó, ở các quận nội thành, những trường tốp đầu và tốp sau cũng có sự chênh lệch rất lớn về số lượng học sinh. Khi trường tốp đầu có nhiều học sinh đăng ký thì trường đó quá tải và được gọi là “điểm nóng”.  

Cô giáo Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam cho biết: Năm học 2014-2015, nhà trường tuyển sinh 200 chỉ tiêu khối lớp 6 với tổng số năm phòng học. Điều kiện đầu tiên để vào trường là học sinh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.

 Thứ hai, học sinh có 4 năm trở lên ở cấp tiểu học xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt; có tổng điểm hai môn Tiếng Việt và Toán cuối học kỳ hai (lớp năm) đạt từ 19 điểm trở lên. Những học sinh chưa đủ điều kiện trên nhưng nếu có thành tích, năng khiếu đặc biệt sẽ được hội đồng đồng tuyển sinh của nhà trường xét duyệt cho dự tuyến.

Ở những “điểm nóng” khác do áp lực về dân số gia tăng, các trường học đã thực hiện giải pháp khắc phục bằng cách dồn những lớp trên có ít học sinh để bố trí phòng học cho học sinh lớp 6, hoặc sử dụng các phòng chức năng làm lớp học.

Theo cô giáo Phạm Thị Kim Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng (Hà Nội), hằng năm, căn cứ vào cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, điều tra của lớp 6, nhà trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh.

Năm nay, nhà trường có tổng số 7 lớp 6, kế hoạch tuyển sinh là 350 em, bình quân mỗi lớp 50 em. Để bảo đảm chỗ ngồi cho các em, nhà trường đã sử dụng một số phòng chức năng làm phòng học.

Cô giáo Liên cũng thừa nhận, sĩ số lớp học tăng cao như vậy đã tạo áp lực không nhỏ cho nhà trường, vì theo yêu cầu, các thầy giáo, cô giáo vẫn phải bảo đảm công tác giảng dạy đúng kế hoạch, đạt chất lượng. Sắp tới, trong thông báo, nhà trường thực hiện tuyển sinh theo tinh thần “bốn rõ” đã được ban hành. Thí dụ, từ ngày mùng 1 đến 10/7 là tuyển sinh đúng tuyến (tức là KT1). Từ ngày 12 trở đi nếu như còn chỉ tiêu nhà trường sẽ tuyển tiếp đến KT2 và KT3. Có nghĩa là ưu tiên cho các cháu ở trên địa bàn. Trong trường hợp đủ chỉ tiêu KT1 thì KT2 và KT3 phải đi về đúng nơi mình ở để học, nếu không thì học trường dân lập. Mặc dù số lượng học sinh lớp 6 năm nay có tăng và các năm trước cũng thế nhưng chưa bao giờ xảy ra hiện tượng các cháu ở trên địa bàn phường Dịch Vọng lại không được vào học.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Sơn cho biết thêm: Trước biến động về việc tăng dân số, từ năm 2009, TP Hà Nội đã có kế hoạch “Xây dựng, quy hoạch và phát triển hệ thống giáo dục đến năm 2020”. Đó là xây dựng các bộ chỉ tiêu phát triển của các cấp học.

Theo quy hoạch, từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đã xây mới 105 trường học với kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng, riêng năm học 2014-2015, xây mới 23 trường với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng.

Những ngôi trường xây mới đang tập trung ở các quận: Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, đáp ứng được 150 nghìn chỗ ngồi cho học sinh. Ở những nơi còn bức xúc về tình trạng thiếu lớp học, các quận, huyện cũng đã vào cuộc quyết liệt để tìm cách khắc phục. Đến thời điểm này, 30 quận, huyện đã báo cáo sở về công tác phân luồng học sinh, tuyển sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên.

Căn cứ vào tình hình thực tế cũng như giải pháp khắc phục, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, mặc dù số học sinh lớp 6 có tăng nhưng các trường học ở các quận, huyện, thị xã vẫn bảo đảm phòng học, bình quân dưới 40 học sinh/lớp, nghĩa là chưa vượt ngưỡng theo quy định.

Cũng theo Sở GD-ĐT Hà Nội, việc học sinh lớp 6 năm nay tăng nhưng không đáng lo ngại, không ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.