Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề xuất cần có ưu tiên về thủ tục, cách làm để các gói hỗ trợ đến đúng được đối tượng, bảo đảm thực hiện hiệu quả, kịp thời; đúng như tinh thần của Đảng, Chính phủ “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Chiều 23/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Thêm hộ nghèo do tác động của Covid-19

Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Chính phủ chú ý đến các đối tượng nghèo mới nổi do tác động của Covid-19, bởi Chương trình này khi xây dựng chưa đề cập kỹ đến tác động của Covid-19 đối với các hộ nghèo, đặc biệt là những lao động phổ thông khi không có việc làm ổn định ở thành phố phải về quê. Đây là những hộ nghèo đa chiều về y tế, giáo dục, thậm chí cả nước sinh hoạt.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí thảo luận tại tổ Hà Nội

Việc cứu trợ của nhà nước hay các tổ chức, nhà hảo tâm chỉ trong thời điểm nào đó không thể duy trì dài được, vì thế Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn đến các đối tượng này, bởi các khoản hỗ trợ của Chính phủ về phòng, chống Covid-19 chỉ mang ý nghĩa tạm thời. Chương trình cần mở thêm mục các đối tượng, trong đó cần thêm đối tượng là các hộ mới bị nghèo do tác động của Covid-19.

“Bên cạnh đó, do đặc thù nên cần có ưu tiên về thủ tục, cách làm để các gói hỗ trợ đến đúng được đối tượng, bảo đảm thực hiện hiệu quả, kịp thời. Đúng như tinh thần của Đảng, Chính phủ là “không để ai bị bỏ lại phía sau”” - đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta; tuy nhiên, hiện nay nhiều dân tộc thiểu số của nước ta, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Về nội dung, việc đưa 5 dự án thành phần rất khoa học, bài bản, nhưng việc chỉ đạo điều hành không tốt sẽ không thể hiệu quả được.

Ví dụ, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt với các huyện miền núi việc đầu tư cho hạ tầng rất tốn kém kinh phí, có khi 75 nghìn tỷ đồng chưa hoàn thành hệ thống giao thông, có khi chỉ cần một trận mưa lũ sẽ phá hỏng hết. Vì thế, nếu không có sự điều hành tốt, các dự án thành phần không thể hiệu quả được. Trong đó, cần gắn các dự án thành phần với các cơ quan chủ quản, ví dụ đầu tư giao thông thì gắn với Bộ GTVT.

Đại biểu Trương Xuân Cừ

Hay dự án đa dạng hóa sinh kế, đối với nhiều huyện miền núi rất khó thực hiện trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Trong 6 đề án đó, nếu không thực hiện tốt lại không chọn được đề án mang tính trọng tâm để hỗ trợ cho người nghèo. Việc sắp xếp lại các đề án để lựa chọn đề án nào là ưu tiên để thực hiện cho hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay kinh tế của nhiều huyện miền núi đang đi xuống, thậm chí xuất hiện sự phân hóa giàu nghèo trong các hộ gia đình miền núi. Vì thế, không xác định được mô hình kinh tế, kế sinh nhai của các hộ nghèo hiện này thì việc lựa chọn dự án đầu tư thành phần khó hiệu quả được.

“Việc xóa đói giảm nghèo cho các hộ cận nghèo hiện nay ở nhiều khu vực miền núi là rất khó khi người dân không có công cụ sản xuất, đất đai khó canh tác. Vì thế, việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án thành phần và thực hiện ra sao rất quan trọng” - đại biểu Trương Xuân Cừ nêu quan điểm.

Tạo sinh kế cho người dân

Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về 2 chương trình mục tiêu quốc gia này, song đại biểu Khuất Việt Dũng quan tâm đến một số kiến nghị: Việc thành lập 1 ban chỉ đạo chung cho cả 2 chương trình này là cần thiết, có thể gắn với các quy hoạch vùng, quy hoạch của tỉnh để có sự chỉ đạo thống nhất giữa mục tiêu của chương trình và các quy hoạch trên.

 Đại biểu Nguyễn Kim Sơn đề nghị tích hợp các nội dung của các chương trình liên quan đến giáo dục để đạt hiệu quả cao hơn

Cùng với đó, việc sắp xếp lại các tiểu dự án cho phù hợp với thứ tự ưu tiên, trong đó dự án về sinh kế cần được đặt trọng tâm ưu tiên hơn so với các tiểu dự án khác, bởi những nơi sinh kế khó khăn người dân nông thôn sẽ ít quan tâm đến các vấn đề khác. Dự án phát triển hạ tầng cần căn cứ vào từng vùng của cả nước để bảo đảm hiệu quả, bởi nhiều khu vực có hạ tầng phát triển nhưng người dân không có sinh kế thì đời sống không thể bảo đảm được.

“Cả hai chương trình trên cần phải gắn với thu nhập bình quân của người dân sau 5 năm triển khai, bởi phải hướng đến cuộc sống của người dân là rất quan trọng. Cùng với đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn để lao động nông thôn phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm” - đại biểu Khuất Việt Dũng nêu kiến nghị.

Tán thành sự cần thiết phải ban hành 2 chương trình trên của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá, mục tiêu chương trình lớn, nhưng chúng ta kỳ vọng sẽ đạt được một số mục tiêu cụ thể, trong đó tập trung ưu tiên cao độ cho sinh kế và kinh tế của khu vực nông thôn. Việc sử dụng các khái niệm trong 2 chương trình này, cụ thể nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao, rồi kiểu mẫu. Chúng ta có thể sử dụng nông thôn mới mức I, mức II hoặc mức III để thể hiện hết nội hàm của khái niệm nông thôn mới.

“Từ góc độ của ngành GD&ĐT, chúng tôi đề nghị tích hợp các nội dung của các chương trình liên quan đến giáo dục để đạt hiệu quả cao hơn. Trong đó có tỷ lệ 30% chưa kiên cố hóa các trường và tỷ lệ mù chữ chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi” - đại biểu Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm.