Lợi dụng thương mại điện tử để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả
Trong nửa đầu năm 2022 một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng TMĐT chào bán hàng nhập lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Vừa qua Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT TP Hà Nội) qua kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng tại 158 Hạ Đình (quận Thanh Xuân), thuộc Công ty CP thương mại OPEN PHARMA đã phát hiện 28.575 hộp thực phẩm bổ sung viên sủi Vitamin BEEROCAC+ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ theo Đăng ký quốc tế số 932608 của Bayer Consumer Care AG. Đồng thời còn phát hiện Công ty CO Thương mại Open Pharma sử dụng website https://openpharma.vn để bán hàng trực tuyến nhưng chưa thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định.
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cho biết, hoạt động lợi dụng TMĐT để buôn bán hàng lậu, hàng giả có xu hướng tăng, Các đối tượng thường dùng các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok… để bán hàng lậu như kit test nhanh Covid-19, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Công an TP Hà Nội đã phát hiện 60 nhóm Facebook kinh doanh kit test nhanh Covid-19 với 47 nhóm công khai và 13 nhóm kín; Gỡ bỏ hàng chục nhóm Zalo, Facebook kinh doanh thuốc điều trị Covid-19 trên không gian mạng.
“Đội 7 phòng PC03 kiểm tra căn hộ chung cư C14 Tố Hữu, quận Hà Đông đã phát hiện, thu giữ 2.000 hộp thuốc Liên hoa Thanh ôn do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Đối tượng khai nhận đã lợi dụng mạng xã hội Facebook để tiêu thụ sản phẩm” - ông Tùng nêu ví dụ.
Tương tự, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Minh Hùng nêu rõ việc kiểm soát kinh doanh hàng hóa trên các trang mạng xã hội gặp rất nhiều khó khăn, do các đối tượng thường sử dụng nơi bán hàng, chốt đơn và kho hàng tại các khu vực khác nhau. Thậm chí, một số đối tượng sử dụng các căn hộ chung cư, nơi ở làm địa điểm kinh doanh, tập kết hàng lậu, hàng giả và có sự thỏa thuận với bảo vệ của các tòa nhà để thông báo, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc tiếp cận kiểm tra, xử lý.
Tăng cường kiểm soát địa bàn
Nói về những khó khăn trong quá trình chống buôn lậu, hàng giả lợi dụng sàn TMĐT và mạng xã hội để tiêu thụ, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật và một số Nghị định chưa có sự thống nhất trong áp dụng xử lý, xác định hành vi vi phạm khiến lực lượng chức năng lúng túng trong công tác thực thi pháp luật. Hệ thống tra cứu hóa đơn điện tử chưa được triển khai đồng bộ, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan thuế, hải quan với các lực lượng chức năng khác dẫn đến hiệu quả kiểm tra, xử lý chưa cao.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên đại diện ngành hải quan, công an, thuế… đề nghị BCĐ 389 TW chỉ đạo các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, thuế… tăng cường kiểm tra từ cửa khẩu biên giới, cảng hàng không quốc tế… qua đó hạn chế tối đa lượng hàng hóa được thẩm lậu từ biên giới vận chuyển về Hà Nội. Bộ Tài Chính, Công Thương và các bộ, ngành liên quan sửa đổi bổ sung quy định về chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài.
Cụ thể phải kèm theo hóa đơn chứng từ nhập khẩu ngay trong quá trình lưu thông hàng hóa, không chấp nhận đơn hàng nội địa thông thường. Đồng thời có văn bản hướng dẫn cụ thể về thời hạn, quy trình, quy định việc tổ chức xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng có yếu tố nước ngoài…
Trước kiến nghị của các lực lượng chức năng, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu và hàng giả 6 tháng đầu năm 2022 do Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội vừa tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao; đặc biệt vào dịp Tết Trung thu, khai giảng năm học mới, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023 là khoảng thời gian để các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, tập kết hàng hóa, nguyên liệu phục vụ gia công sản xuất để đưa hàng hóa tiêu thụ trên thị trường; đặc biệt là hoạt động kinh doanh hàng hóa qua thương mại điện tử còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Vì vậy lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động bán hàng online, bán hàng qua mạng; kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, tiêu thụ nhiều trong dịp lễ, Tết” - Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ.
6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 10.556 vụ; xử lý hành chính 9.428 vụ. Khởi tố 73 vụ đối với 106 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước: 1.145 tỷ 642 triệu đồng. Trong đó: Phạt hành chính: 382 tỷ 987 triệu đồng; Truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra: 762 tỷ 451 triệu đồng.