Có thể nói rằng, cùng với quyết định các phương hướng cho một nhiệm kỳ tiếp theo, công tác nhân sự luôn là vấn đề nóng, được dư luận rất quan tâm ở mỗi kỳ Đại hội Đảng các cấp. Bởi đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều lần nhấn mạnh, công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Do đó, việc lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài luôn là một đòi hỏi cấp thiết.
Trước vấn đề khó như thế, lại còn vô cùng phức tạp, nhạy cảm, vì nó liên quan đến con người, dễ nảy sinh vấn đề, tâm tư day dứt, nên thời gian qua T.Ư đã có bước chuẩn bị rất kỹ càng, trong đó sửa lại các quy định hoặc ban hành các nghị quyết mới về các quy định lựa chọn cán bộ cho đúng quy trình, rõ tiêu chuẩn. Như trong Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng quy định rõ quy trình 5 bước với nhân sự cấp ủy rất cụ thể. Đây chính là những cẩm nang, chỗ dựa quan trọng cho các cấp ủy chấn chỉnh đội ngũ.
Trong đó đều nhấn mạnh không để những người cơ hội lọt vào cấp ủy; cơ cấu là quan trọng, nhưng tiêu chuẩn phải là hàng đầu, không vì điều gì mà buông lỏng... Có thể nói, chính những cơ chế, giải pháp ấy đang giúp lấp đầy những “lỗ hổng” trong công tác cán bộ. Nhưng nhiều ý kiến nhận định, quy định tự thân nó không chọn được cán bộ tốt mà đó chỉ là quy trình thủ tục hay công cụ, quan trọng là người sử dụng nó như thế nào.
Trong thực tiễn, có những trường hợp cán bộ đã vi phạm khuyết điểm từ trước, nhưng vẫn vào cấp ủy, thậm chí vào T.Ư. Hoặc cũng có những cán bộ được bổ nhiệm hoặc được bầu trong Đại hội làm đúng quy trình nhưng sau đó họ lại trở thành một con người khác, bộc lộ năng lực hạn chế, phẩm chất, đạo đức cũng không thực sự trong sáng. Thực tế đã chứng minh, từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, nhiều cán bộ bị kỷ luật, trong đó có tới hơn 90 cán bộ cấp cao. Điều đó cũng thể hiện sự lựa chọn, chuẩn bị nhân sự trước Đại hội dù đúng quy trình nhưng lại chưa trúng. Do đó, "phải có con mắt tinh đời trong việc giới thiệu, đánh giá, lựa chọn nhân sự. Đừng bị đánh lừa bởi những động tác giả vì nhiều người khéo lắm thích khoe thành tích và che giấu khuyết điểm”; “trong từng khâu, từng công đoạn phải làm thật chắc chắn, khoa học, đồng bộ, tránh tối đa sai sót, làm đến đâu chắc chắn đến đó, đừng thấy đỏ tưởng chín, đừng để mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong…”, đúng như những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Bởi vậy, khi thực trạng đã được nhìn nhận rõ, giải pháp đã phù hợp và được thực hiện với quyết tâm cao sẽ tạo ra kết quả nhìn thấy được, cảm nhận được. Khi đó, những tiêu cực trong công tác nhân sự sẽ không còn chỗ đứng; tham nhũng, lạm quyền trong vấn đề này cũng sẽ không còn nhức nhối dư luận như thời gian vừa qua.