Hoạt động của Quốc hội muốn có hiệu quả, vai trò của đại biểu chuyên trách rất quan trọng. Có thể nói rằng, Quốc hội đã và đang không ngừng đổi mới, hướng đến tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng dần, hiện chiếm gần 35% tổng số đại biểu và dự kiến nâng lên 40%; số lượng thành viên Chính phủ đồng thời là đại biểu Quốc hội cũng giảm. Nhưng như chính các đại biểu nhận định, số lượng đại biểu chuyên trách dù tăng lên vẫn còn hơi ít so với nhu cầu công việc của Quốc hội.
Đặc biệt, khi đại biểu là những tư lệnh ngành, người đứng đầu địa phương, với trọng trách và khối lượng công việc rất lớn nên nói như cách ví von của một số đại biểu là “vừa xay lúa vừa ẵm em”, nguyên thời gian để cân đối hai công việc đã rất khó khăn. Ngoài ra, chính việc chồng chéo, lấn vai giữa khối hành pháp và cơ quan giám sát của một đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm là điều dễ xảy ra. Bởi Hiến pháp đã quy định, Quốc hội có chức năng giám sát mọi hoạt động của Chính phủ và Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Các thành viên Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, đồng thời là cơ quan hành pháp cao nhất. Khi đại biểu phải đội hai “mũ” một lúc, cũng gây ra khó khăn không nhỏ, nhiều lúc chính đại biểu không biết nên nói theo “mũ” nào.
Như có đại biểu đã phân tích, thể chế chính trị của chúng ta thì cán bộ, công chức có nhiều mối quan hệ ràng buộc, dẫn đến khó nói. Nếu không phải đại biểu chuyên trách, khi phát biểu vấn đề gì đó rất cân nhắc: Phát biểu như vậy có ảnh hưởng đến ai không? Có đụng chạm gì đến quyền lợi của cơ quan, địa phương mình hay không? Đó là chưa suy tính tới lợi ích cá nhân, có nên nói hay không, nói như thế nào… Và trong công tác xây dựng pháp luật, liệu Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh có không nghĩ tới cơ chế chính sách có lợi cho ngành, cho địa phương mình không cũng là câu hỏi. Từ đó đã hạn chế phần nào đến chính kiến và bản lĩnh của một đại biểu của dân.
“Quốc hội vẫn có thể sử dụng quyền của mình để yêu cầu Bộ trưởng giải trình, để có những phiên chất vấn nhưng phải chăng Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh cứ phải là đại biểu Quốc hội? Vì vậy, chúng tôi muốn chuyển phần này sang để chúng ta không tăng số lượng nhưng tăng số ĐB chuyên trách của Quốc hội, đặc biệt là ĐB chuyên trách có kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và xây dựng pháp luật” – Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã thẳng thắn khi đề cập tới vấn đề này và ý kiến này nhận được nhiều sự đồng tình.
Mặt khác, câu chuyện chất lượng của đại biểu cũng là vấn đề cần được lưu ý. Bởi đại biểu Quốc hội áp lực rất lớn, nào là xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước… đại biểu chuyên trách mà không có năng lực, không am hiểu pháp luật thì khó có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Do đó, nhân dịp sửa Luật này, cùng với việc nghiên cứu để tạo hành lang pháp lý nâng số lượng đại biểu chuyên trách, việc đề xuất một cơ chế để có chính sách thu hút được những người đủ tiêu chuẩn, năng lực, bản lĩnh làm đại biểu chuyên trách cũng là vấn đề cần tính đến.