Không để phí chồng phí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/5, khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Phí và lệ phí các đại biểu (ĐB) Quốc hội đã đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát danh mục, nghiên cứu bỏ một số loại phí, lệ phí không phù hợp gây bức xúc cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. 	Ảnh: TTXVN
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN
Đồng ý bãi bỏ chuyển sang cơ chế giá một số phí, lệ phí, tuy nhiên, ĐB Sơn Hà (đoàn Hà Nội) thắc mắc, nhiều loại phí, lệ phí chưa rõ, chưa đầy đủ nên phải quy định chi tiết cụ thể hơn theo từng nhóm ngành. Theo ĐB, có loại phí rất chung chung không biết thế nào, ví dụ phí thuộc lĩnh vực pháp luật rồi lại có phí dịch vụ pháp lý không biết thuộc vào loại gì. Luật cần làm rõ từng khái niệm, cụ thể như khái niệm về phí, lệ phí, dịch vụ công, giá dịch vụ, dẫn đến chưa rõ ràng trong phân loại giữa phí và lệ phí, giữa phí, lệ phí và giá dịch vụ…
Sáng cùng ngày, các ĐB thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán. Các ĐB thống nhất, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tạo điều kiện phát triển ngành nghề kế toán, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, trong đó có hội nhập về tài chính, kế toán.

Theo ĐB Nguyễn Văn Minh (đoàn TP Hồ Chí Minh), có những loại phí nhất thiết phải thu nhưng cũng có những loại phí không cần phải thu. Đơn cử như thu phí bảo trì đường bộ. Theo ĐB Minh, phí này không nhiều nhưng tác động đến cả hoạt động quản lý Nhà nước, tác động đến đại bộ phận người dân. "Ra phí thu không nhiều nhưng có khi làm "đẻ" ra cả một bộ máy hoặc kiêm nhiệm" - ĐB Minh băn khoăn. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, ĐB HĐND TP Hồ Chí Minh rất băn khoăn về phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, bởi người dân sắm xe máy chỉ để đi chợ thôi. Và họ đi đúng trên con đường họ tự bỏ tiền ra làm. Tiền làm đường này hoàn toàn do dân đóng góp làm sao phải đóng phí. Người dân đặt câu hỏi như vậy, là ĐB mình không biết trả lời sao?".

ĐB Trương Thị Ánh (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: "Rõ ràng, muốn vận hành được xe máy, người ta phải đổ xăng mà khi mua xăng, người dân đã trực tiếp đóng một khoản phí cho Nhà nước. Nếu cứ thu thêm một khoản nữa, sợ rằng đó là tận thu của dân".

ĐB Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo có danh mục 51 khoản phí và 31 khoản lệ phí, song vẫn còn nhiều loại phí không cần thiết. "Luật nên được nghiên cứu bỏ một số loại phí, lệ phí không phù hợp gây bức xúc cho người dân. Ví dụ cũng là dịch vụ nhưng chia nhỏ ra nhiều khúc để mà thu phí. Hạn chế tình trạng phí đè phí".

Liên quan đến nhiều loại phí, lệ phí chuyển sang cơ chế giá, các ĐB tán thành dự thảo Luật phí và lệ phí chỉ quy định đối với khoản thu phí, lệ phí thuộc dịch vụ công do cơ quan Nhà nước thực hiện, đồng thời các dịch vụ do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện sẽ được thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ nhằm đẩy mạnh xã hội hóa và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Nhà nước cũng phải điều tiết để thu về một tỷ lệ nào đó và mức giá dịch vụ đưa ra cũng phải được quản lý kiểm soát theo cơ chế giá. "Ví như bệnh viện công và bệnh viện tư, tuy là cùng bệnh viện nhưng một bên mức phí được quy định chặt còn bên kia thì tùy nghi, như vậy khó công bằng" - ĐB Trần Du Lịch nói. Theo ĐB Trần Du Lịch, luật cần phân định rõ cái nào thuộc thẩm quyền Chính phủ quy định, cái nào thuộc cấp chính quyền địa phương HĐND phê duyệt. Trong quá trình triển khai, cơ quan nào thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong việc chấp hành thu, quy định giá phí thế nào để xử lý vi phạm. Tránh trường hợp cử chi phản ánh nhiều nhưng không có cơ quan nào kiểm tra xử lý.