Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ sở lưu trú du lịch đang phát triển nhanh về số lượng. Tuy nhiên, 70% các khách sạn là vừa và nhỏ, chất lượng không đồng đều, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá, tăng giá tùy tiện diễn ra khắp nơi, các nhà đầu tư ít chú ý đến chất lượng dịch vụ dẫn đến tình trạng khách sạn xuống cấp rất nhanh, tính tự giác đảm bảo quy định về giá cả, chất lượng dịch vụ thấp. Do vậy, Dự Luật cần có quy định yêu cầu bắt buộc tất cả các khách sạn du lịch phải tham gia xếp hạng mới, đảm bảo được thương hiệu của hệ thống khách sạn Việt Nam, để khách du lịch yên tâm khi lựa chọn các cơ sở lưu trú khi đã được công nhận hạng bậc. Tránh trường hợp khách sạn "tự phong sao" hoặc quảng bá thứ hạng không đúng với chất lượng dịch vụ của mình…
Theo Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam Đỗ Thị Hồng Xoan, nếu quy định việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch là tự nguyện và không phải thẩm định lại như trong Dự Luật sẽ dẫn đến nhiều bất cập. Theo đó, những cơ sở lưu trú không tham gia xếp hạng, tự quảng cáo sai thứ hạng sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín chung của ngành và những cơ sở lưu trú kinh doanh nghiêm túc, có đăng ký xếp hạng và được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Đồng thời, các chuyên gia cũng phân tích, đối với những cơ sở lưu trú không tham gia xếp hạng, cơ quan quản lý du lịch sẽ không có căn cứ pháp lý để kiểm tra, giám sát về chất lượng giá cả, vì không biết cơ sở đó ở mức độ nào để yêu cầu thực hiện. Hơn nữa, cơ quan quản lý du lịch cũng không có cơ sở để thống kê, nắm bắt chất lượng thực tế của hệ thống cơ sở lưu trú để xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch theo các cấp hạng phù hợp. Vì vậy, việc bổ sung quy định bắt buộc xếp hạng đối với các loại hình cơ sở lưu trú du lịch là rất cần thiết. Về nội dung kinh doanh lữ hành, Dự Luật được đánh giá còn quá đơn giản. Lữ hành từ một ngành có điều kiện sẽ trở thành một ngành kinh tế đơn thuần, ai có tiền cũng có thể kinh doanh lữ hành được và như vậy việc cấp phép trở nên không cần thiết. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, các quy định trong Dự Luật về người phụ trách kinh doanh lữ hành không phản ánh được tính chất phức tạp, đa dạng của công việc này. “Người phụ trách kinh doanh lữ hành bắt buộc phải có kiến thức sâu rộng về văn hóa, pháp luật, ngoại giao, an ninh, thương mại, gắn liền kinh doanh với bảo vệ hình ảnh của đất nước” - ông Bình nêu. Cùng với đó, Dự Luật đề cập quá ít tới vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Trong khi thực tế, lực lượng lao động trong ngành du lịch cả trực tiếp và gián tiếp hiện có hơn 2 triệu người, nhưng số lao động đã qua đào tạo nghề chỉ chiếm khoảng 60%. Đây chính là điểm yếu kém của du lịch Việt Nam trong cạnh tranh phát triển du lịch với các nước trong khu vực. Vì thế nên xây dựng hẳn một chương riêng về lĩnh vực thiết yếu này, tạo hành lang pháp lý cơ bản để triển khai cơ chế đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Để động viên toàn xã hội đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, nhất là hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống để phục vụ khách nhằm tăng nguồn thu cho đất nước, nhiều ý kiến đề xuất Dự Luật cần bổ sung quy định khuyến khích, thúc đẩy việc bán hàng cho du khách. Bởi trong du lịch, bán hàng cho khách có vị trí vô cùng quan trọng: Ở Thái Lan mua sắm chiếm 51% chi phí của khách, Singapore chiếm khoảng 45%. Các nước phát triển du lịch đều coi trọng và có chính sách khuyến khích loại dịch vụ phục vụ khách du lịch (mua sắm, dịch vụ làm đẹp, thưởng thức ẩm thực truyền thống…), trong đó mua sắm là quan trọng nhất.
Khách sạn ASEAN Hạ Long là một trong 6 khách sạn vừa bị Tổng cục Du lịch thu hồi công nhận hạng 4 sao. Ảnh: Hồng Hạnh |