Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để thiếu điện cho phát triển

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Không để thiếu điện cho phát triển là một mệnh lệnh" - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu này với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại một hội nghị cách đây không lâu.

Công nhân EVN Hà Nội vận hành trạm biến áp 110kV Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức. Ảnh: Ngọc Hà
Nhu cầu sử dụng liên tục tăng
Hiện nay tình trạng cắt điện luân phiên đã giảm, nhất là năm 2020 có những ngày nắng nóng kéo dài. Có thể việc giảm cắt điện một phần là do nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh giảm trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Chỉ số tiếp cận điện tăng của Việt Nam có tiến bộ vượt bậc, tăng từ 156/189 nước và vùng lãnh thổ năm 2013, lên thứ 64/190 năm 2017 và lên thứ 27/190 năm 2018, vươn lên đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Mặc dù vậy, so với tiêu chí của nước công nghiệp (theo mục tiêu trước đây là 3.000 kWh/người), thì ước năm 2020 ở mức như trên còn cách xa mục tiêu. Đây cũng chỉ bằng 2/3 mức tương ứng hiện nay của nhiều nước trên thế giới.
Sản lượng điện bình quân/người của Việt Nam liên tục tăng với tốc độ khá cao. Nếu như năm 1990 đạt 133,1 kWh, năm 2000 là 343,7 kWh, năm 2010 đạt 1.054,7 kWh và năm 2019 đạt 2.356,9 kwh, dự báo năm 2020 đạt 2.375,5 kWh (bình quân một năm tăng xấp xỉ hơn 10%).

Điện sử dụng cho sản xuất hiện chiếm 59,1%, với mức giá bình quân 1.684 đồng/kwh… Do tỷ trọng cao, giá thấp đã góp phần làm tốc độ tăng trưởng điện cho sản xuất tăng khá cao (10 -13%/năm), góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao. Mặt khác, giá điện cho sản xuất thấp làm cho đầu tư nước ngoài được hưởng lợi kép, vừa được hưởng giá thấp của Việt Nam, vừa được hưởng giá thấp so với các đối tượng sử dụng. Do vậy, các nhà đầu tư sẽ không quan tâm nhiều đến thiết bị, công nghệ sử dụng ít điện mà sử dụng công nghệ cũ, tốn điện.

Điện sử dụng cho các nhu cầu khác gồm có: Kinh doanh chiếm 6,6%, với giá bình quân 2.809 đồng/kwh; Hành chính sự nghiệp chiếm 3,8%, với giá bình quân 1.845 đồng/kwh; Sinh hoạt chiếm 28,24%, với giá bình quân 2.056 đồng/kwh. Đáng lưu ý, tỷ lệ hao hụt điện của Việt Nam thuộc loại cao.

Các giải pháp phát triển nguồn điện

Nguồn điện đã tăng cao giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 13%/năm, nhưng đến giai đoạn 2016 - 2019 còn khoảng 8%/năm. Tổng nguồn điện sản xuất và nhập khẩu đạt 239 tỷ kwh. Về cơ cấu cung điện nhiệt điện than chiếm tỷ trọng cao nhất và tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Dự kiến đến 2030 đạt gần 50 nghìn MW, chiếm 33,6% tổng số. Thủy điện hiện chiếm tỷ trọng lớn thứ 2, nhưng đã “cạn nguồn” và tỷ trọng này mấy năm nay có xu hướng giảm (xuống còn 34,4% cuối năm 2015). Tốc độ tăng trong thời kỳ 2016 - 2019 chỉ còn 5%/năm. Tua bin khí chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 và cũng có xu hướng giảm (hiện ở dưới 19%). Chủ yếu do sự suy giảm của các mỏ khí khu vực Đông Nam Bộ từ sau năm 2022 (ước tính sẽ giảm từ 11 tỷ m3 năm 2022 xuống còn gần 3 tỷ m3 năm 2030).

Để cải thiện quan hệ cung - cầu về điện, trước hết cần phải tăng sản lượng điện. Muốn tăng sản lượng điện, không thể chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên không tái tạo, đặc biệt là than. Trong khi điện nguyên tử tuy đã được đề cập từ mấy năm trước, nhưng sau khi được khuyến cáo của quốc tế, chúng ta đã dừng lại. Gần đây đã có nhiều đề xuất về các nguồn tài nguyên khác, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hải lưu, năng lượng sóng biển... Đây là các nguồn tài nguyên có trữ lượng rất lớn và tái tạo được do vị trí địa lý của Việt Nam. Nguồn tài nguyên tái tạo trên đã được phát triển nhanh trong vài năm gần đây, đặc biệt là năm 2019, chủ yếu do tác động từ chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Nhà nước. Hết tháng 6 đã có 89 nhà máy điện mặt trời hòa lưới phát điện với tổng công suất 4.442 Mw; nếu tính cả các nhà máy điện gió đạt 4.880 Mw (chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận), chiếm trên 10% tổng công suất của cả nước. Tuy nhiên, sản lượng điện từ nguồn này vẫn chiếm tỷ trọng chưa lớn. Nói cách khác, nguồn này về cơ bản vẫn ở dạng tiềm năng.

Do vậy, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo biến nguồn tài nguyên từ dạng tiềm năng trở thành động năng cho sự phát triển. Mục tiêu đến năm 2025 cần có thêm 12.500 Mw điện mặt trời và 7.200 Mw điện gió, điện mái nhà khoảng 2.000 Mw. Tuy nhiên, vẫn còn thấp so với nhu cầu cần 35.000 Mw điện năng lượng tái tạo (trong đó 2/3 là điện mặt trời và 1/3 là điện gió). Để đạt được mục tiêu, Việt Nam cần phải tập trung giải quyết các vấn đề sau. Trước hết là vốn đầu tư, với mức bình quân một nhà máy là 1.000 tỷ đồng (89 nhà máy hiện tại hết khoảng 89.000 tỷ đồng) nhiều nhà đầu tư tư nhân có thể đầu tư. Vấn đề còn lại ở khâu đất sạch, cần có sự chủ động và hỗ trợ của các địa phương. Một vấn đề khác là truyền tải, kết nối từ đường 110 Kv đến 220 Kv và 500 Kv. EVN cần tập trung và khẩn trương xây dựng, hoàn thiện khâu này. Vấn đề quan trọng nhất là giá bán điện từ nguồn tài nguyên tái tạo. Campuchia có thuận lợi hơn về giờ nắng… nên giá bán chỉ có 900 đồng/kwh. Việt Nam đưa ra giá cho những nhà máy hoàn thành trước 7/2019 là 2.086 đồng/kwh; giá điện gió có ưu đãi là 1.928 đồng/kwh nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.