Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để thiếu thực phẩm dịp Tết

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội bảo đảm không để thiếu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, nhất là trong bối cảnh mặt hàng thịt lợn đang có nhiều biến động - đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về công tác cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý tổ chức cuối tuần qua.

 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Co.op Mart Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam

Tích cực dự trữ hàng hóa
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu thịt lợn của người dân vào khoảng 15.610 tấn, tăng 18 - 20% so với các tháng trong năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi lan rộng khiến đàn lợn toàn TP giảm 33,4% so với cùng kỳ năm trước, thiếu hụt khoảng gần 3.500 tấn thịt lợn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2020.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội phải phối hợp với Sở Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra việc bán theo giá niêm yết để xử lý nghiêm tình trạng tăng giá bất hợp lý. Ngoài ra, cần bám sát diễn biến thị trường để điều hành cung cầu cho ổn định, ngăn chặn hiện tượng các tiểu thương đầu cơ trục lợi, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản
Nhằm bảo đảm nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội đã vận động các DN dự trữ thịt lợn cấp đông và sản xuất thực phẩm chế biến. Hiện, có 22 DN tham gia đã đăng ký dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa bình ổn thị trường Tết, với tổng giá trị hơn 18.000 tỷ đồng. Trong đó, thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn bảo đảm theo nhu cầu gồm: 6.034 tấn thịt lợn; 492 tấn thịt gà; 63 triệu quả trứng gia cầm. Một số DN bán lẻ như Hapro, Vincommerce, Co.op mart đã dự trữ hàng phục vụ Tết tăng 10 - 25% so với kế hoạch Tết 2019, với tổng giá trị tiền hàng khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long Khúc Tiến Hà cho biết, Big C đã dự trữ tổng lượng hàng hóa tăng 30%, trong đó có khoảng 300 - 500 tấn thịt lợn, gà. Để dự trữ thực phẩm tươi sống, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn, các DN bán lẻ ngoài việc khai thác nguồn hàng tại các tỉnh phía Bắc còn có phương án vận chuyển thịt lợn từ phía Nam đưa ra tiêu thụ tại Hà Nội. “Ngoài việc dự trữ lượng thịt lợn tăng 30% so với năm trước, Vincommerce đã yêu cầu Công ty Vissan vận chuyển một lượng lớn thịt đông lạnh từ TP Hồ Chí Minh ra hệ thống kho lạnh của Vincommerce tại tỉnh Bắc Ninh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô” - bà Bùi Hiền, đại diện Vincommerce Chi nhánh Hà Nội nói.
Ngăn chặn đầu cơ trục lợi
Mặc dù các DN Hà Nội đã tích cực dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, nhất là mặt hàng thịt lợn, tuy nhiên để ngăn chặn tình trạng đầu cơ trục lợi, tăng giá bất hợp lý, lực lượng chức năng phải quyết liệt vào cuộc. Là đơn vị sản xuất thịt lợn tươi sống, mỗi tháng cung cấp cho Hà Nội khoảng 300 tấn thịt lợn, Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm chế biến Nam Hà Nội Võ Việt Dũng cho biết, để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, DN sẽ tăng số lượng gấp 1,5 lần so với các tháng bình thường. Tuy nhiên, ông Dũng băn khoăn về việc biến động giá lợn trong thời gian gần đây, liệu có phải các nhà chăn nuôi lớn “làm giá”? "Tại cuộc họp bình ổn giá thịt lợn mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Bộ Công Thương tính toán từng tháng, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, bảo đảm cung - cầu thịt lợn trong nước. Ngay lập tức, giá lợn chững lại, cho thấy có hiện tượng DN chăn nuôi găm hàng đợi tăng giá” - ông Dũng bày tỏ.
Đồng tình với ý kiến này, các DN bán lẻ kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt việc kiểm soát nguồn hàng, tránh để lợn trong nước thẩm lậu sang nước ngoài. Cùng với đó siết chặt việc giết mổ để kiểm soát chất lượng, không để dịch bệnh lây lan ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước...
Tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị TP Hà Nội nắm bắt sâu sát các mặt hàng thiết yếu, nhất là thịt lợn, chú trọng quan tâm kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời, yêu cầu các DN trên địa bàn có trách nhiệm, cố gắng giữ mặt bằng giá ổn định, không tăng giá quá cao ảnh hưởng đến người dân, nhất là người lao động trong các khu công nghiệp, người dân khu vực nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản nêu rõ, TP yêu cầu các sở, ngành triển khai kết nối cung cầu hàng hóa với 62 tỉnh, TP, đưa hàng hóa, sản phẩm đặc sản của các tỉnh, TP về thị trường Hà Nội. Với mặt hàng thịt lợn, Sở NN&PTNT phải rà soát lại tổng đàn trên địa bàn TP để xác định lượng cung. Sở Công Thương phối hợp với các tỉnh, TP đưa thịt lợn về Hà Nội, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, các DN rà soát lại kho hàng tích trữ hàng hóa, phòng trường hợp biến động để cung cấp kịp thời cho hệ thống siêu thị, không để thiếu hàng cục bộ dẫn đến tăng giá; các ngân hàng bảo đảm đủ tín dụng cho DN vay vốn dự trữ hàng Tết.